Dịch COVID-19 vẫn diễn biến xấu, thế giới cần tiếp tục thận trọng và hợp tác

Dịch COVID-19 xuất hiện trong vòng 6 tháng qua đến nay đã vượt mốc 10 triệu người nhiễm bệnh và hơn nửa triệu người tử vong. Đây được xem là một cột mốc nghiệt ngã khi đại dịch COVID-19 dường như đang bùng phát trở lại tại một số quốc gia, trong khi các khu vực khác thì vẫn đang phải gồng mình đối phó với làn sóng dịch đầu tiên.

Cứ 18 giây có một người tử vong vì COVID-19

Kể từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc (hồi tháng 12-2019), đến nay COVID-19 đã xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng ngày 30-6, COVID-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề với hơn 10,4 triệu ca nhiễm, hơn 507 nghìn người tử vong. Theo hãng tin Reuters, như vậy trung bình một ngày có hơn 4.700 người tử vong do dịch COVID-19 (tính từ ngày 1 đến 27-6). Con số này tương đương với 196 người mỗi giờ, hoặc cứ mỗi 18 giây lại có 1 người tử vong vì COVID-19.

Dữ liệu của Reuters cũng cho thấy, khoảng ¼ số ca tử vong là ở Mỹ. Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu bảng xếp hạng COVID-19, với hơn 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 128 nghìn ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại các bang ở Mỹ hiện đã lên tới mức cao nhất sau nhiều tháng thực thi các nỗ lực giảm thiểu nguy cơ lây lan virus nhưng được áp dụng không đồng đều trên cả nước. Cộng thêm vào đó là những thông điệp đối chọi nhau của chính phủ. Các bang bị tác động mạnh nhất ở Mỹ tập trung tại miền Nam và miền Tây, những nơi đã thực hiện việc thúc đẩy sớm nối lại các hoạt động kinh tế. Việc số ca nhiễm tăng đột biến trên đã làm dấy lên ngày càng nhiều lời kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn. Ngày 28-6, chính quyền bang California đã ra lệnh đóng cửa một số quán bar. Trước đó bang Texas và Florida ngày 26-6 cũng đã yêu cầu tất cả quán bar trên địa bàn tạm ngừng hoạt động. Giới chức y tế Mỹ và các bang đều xác định quán bar là cơ sở kinh doanh không thiết yếu và có nhiều rủi ro nhất khi nền kinh tế mở cửa. Bởi người uống rượu có thể mất kiểm soát, dẫn tới không tuân thủ quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Bên cạnh Mỹ, thế giới đang xuất hiện thêm 2 cái tên mới chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19, đó là Ấn Độ và Brazil. Hai nước này đang phải chật vật chiến đấu với hơn 10 nghìn ca bệnh mới mỗi ngày, gây ra một thách thức lớn đối với hệ thống y tế.

Brazil, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực Mỹ Latinh và là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, đã trải qua một tuần tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Quốc gia với hơn 200 triệu dân này trong vòng một tuần qua đã ghi nhận hơn 295 nghìn ca nhiễm, trong đó hơn 7 nghìn người đã thiệt mạng. Đây là số ca tử vong trong tuần cao thứ hai, đứng sau con số 7,2 nghìn ca được ghi nhận một tuần trước đó. Tính đến ngày 30-6, Brazil đã có tổng cộng hơn 1,3 triệu ca mắc và 58,3 nghìn ca tử vong.

Còn Ấn Độ hiện là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất châu Á với hơn 567 nghìn ca nhiễm và nhiều ca tử vong nhất với hơn 16,9 nghìn ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 18 nghìn ca mới. Tốc độ các ca nhiễm mới tăng chóng mặt đã đưa Ấn Độ trở thành nước đứng thứ 4 trên thế giới về số ca nhiễm bệnh, chỉ sau mỗi Mỹ, Brazil và Nga.

Nga trong vòng 24 giờ qua cũng đã ghi nhận thêm 7 nghìn ca nhiễm mới và hơn 100 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc đến nay là hơn 641 nghìn ca và hơn 9,1 nghìn người tử vong. Các chuyên gia dự báo về khả năng xuất hiện một làn sóng COVID-19 mới có thể xảy ra trong tháng 7, đặc biệt là tại các thành phố lớn của Nga như Moskva, St.Peterburg, Nizhny Novgorod.

Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand, hay Australia… lại chứng kiến những đợt bùng phát dịch COVID-19 mới trong tháng qua. Trung Quốc đại lục trong vòng 24h qua đã ghi nhận thêm 19 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 83,5 nghìn ca, trong đó có hơn 4,6 nghìn ca tử vong. Nhiều khu vực ở quốc gia này đang xuất hiện những ổ dịch mới rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh. Hàn Quốc cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày có xu hướng tăng trở lại. Tình trạng xuất hiện các ổ lây nhiễm tập thể, vốn tập trung nhiều tại thành phố Daejeon, khu vực thủ đô Seoul, vùng phụ cận gồm các thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, cũng có xu hướng lan rộng ra những địa phương khác. Nguy cơ bùng phát COVID-19 trên diện rộng tại Hàn Quốc ngày càng hiện hữu trong bối cảnh đã có đợt lây nhiễm thứ hai tại thủ đô Seoul.

Còn riêng ở Đông Nam Á, Indonesia và Singapore là hai ổ dịch lớn nhất. Indonesia đã ghi nhận thêm hơn 1 nghìn ca mới và 51 ca tử vong chỉ trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 55 nghìn ca và hơn 2,8 nghìn người chết. Singapore thì đã có tổng cộng 43,6 nghìn ca mắc và 26 ca tử vong. Phần lớn các ca mắc mới xuất phát từ những khu ký túc xá dành cho lao động nhập cư có thu nhập thấp.

Tại khu vực Trung Đông, Iran là nước bị tác động nhiều nhất của dịch COVID-19. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sau khi dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28-6 đã yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong hai tuần từ ngày 5-7.

Như vậy, dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa hề có điểm dừng, thậm chí còn tăng mạnh ở một số điểm nóng mới. Các chuyên gia y tế đã bày tỏ sự lo ngại thực sự về số ca mắc mới cao kỷ lục tại các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Brazil và nhiều ổ dịch mới tại một số nơi ở châu Á.

Cần hợp tác và chia sẻ  trong nghiên cứu về vaccine

Tiếp tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 29-6 cho biết 6 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, dịch bệnh “thậm chí chưa gần đến hồi kết thúc”. Ông Ghebreyesus thông báo WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.

Theo ông Tedros, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có chiều hướng thuyên giảm tại châu Âu song lại diễn biến xấu đi trên toàn cầu. Bởi vậy Tổng giám đốc WHO cho biết, ngay khi đại dịch kết thúc, thế giới không nên quay trở lại trạng thái trước đây mà nên thiết lập một “trạng thái bình thường mới”, xanh hơn và giúp chống biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh dịch đã có dấu hiệu giảm bớt, hiện các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang muốn dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với công dân của 14 quốc gia kể từ ngày 1-7 bao gồm Algeria, Australia, Gruzia, Nhật Bản, Canada, Maroc, Montenegro, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay. Tuy nhiên, các hạn chế nhập cảnh chỉ được dỡ bỏ nếu các nước này cũng dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Đức cũng như công dân các nước EU. Theo đề xuất của EU, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 2 tuần vừa qua sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xem xét nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với công dân của quốc gia đó. Ngoài ra, cách ứng phó của quốc gia với đại dịch cũng sẽ đóng một vai trò trong quá trình xem xét. Một trong những tiêu chí là số lượng ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 2 tuần phải đạt dưới mức 16 người, tương đương mức trung bình của EU.

Nhìn chung cho đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều nguyên thủ và các chuyên gia đều đưa ra cảnh báo các nước cần tiếp tục thận trọng, cảnh giác cho đến khi có vaccine chống COVID-19, ước tính có thể trong khoảng vài tháng hoặc một năm nữa. Tổng giám đốc WHO Tedros cũng nhận định hiện chưa có gì chắc chắn rằng các nhà khoa học sẽ tạo ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, song có thể phải mất một năm để sáng chế ra một loại vaccine như vậy. Tuy nhiên, ông Tedros cũng kêu gọi một khi vaccine chống COVID-19  được điều chế thành công thì nó cần phải trở thành một mặt hàng phổ biến mà tất cả mọi người có thể tiếp cận.

Theo người đứng đầu WHO, tổ chức này hiện đã có hơn 100 mẫu vaccine tiềm năng, trong đó có một loại đang ở trong giai đoạn phát triển tiến xa hơn các loại khác. Việc sở hữu vaccine phòng ngừa COVID-19 có thể rút ngắn bớt một vài tháng nếu công tác nghiên cứu được đẩy nhanh.

Và để thể hiện trách nhiệm chung tay đối phó với dịch bệnh, các nhà lãnh đạo trên thế giới ngày 27-6 đã tham gia vào một sự kiện gây quỹ toàn cầu nhằm phát triển vaccine, cũng như giúp đỡ các nước nghèo đối phó với đại dịch COVID-19. Cuộc gây quỹ đã thu được 6,9 tỷ USD từ các nước như Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) và nhiều nước khác. Hội nghị quốc tế gây quỹ chống COVID-19 này là sáng kiến chung của Liên minh châu Âu và nhóm Công dân toàn cầu, bao gồm cả buổi biểu diễn trực tuyến gây quỹ từ nhiều ca sỹ nổi tiếng thế giới. Ủy ban châu Âu (EC) cùng với Ngân hàng đầu tư châu Âu cam kết đóng góp 5,5 tỷ USD, Mỹ đóng góp 545 triệu USD, Đức góp 383 triệu euro, Canada góp 219 triệu USD và Qatar góp 10 triệu USD. Đã có 40 nước tham gia vào hội nghị quốc tế này. Số tiền quyên góp được sẽ được sử dụng để tiến hành các xét nghiệm COVID-19, điều trị và bào chế vaccine, hỗ trợ các nước nghèo và những người yếu thế.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại rằng vì lợi ích riêng, các nước phát triển hay các tập đoàn dược phẩm lớn có thể khiến nhóm người dân yếu thế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, không thể hoặc chậm được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, nếu vaccine được bào chế thành công, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị đã kêu gọi và cam kết nếu bào chế thành công vaccine chống COVID-19 thì tất cả mọi người đều có quyền được tiếp cận.

Theo nhận định của Liên hợp quốc, “không ai an toàn nếu tất cả chúng ta chưa an toàn”. Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 không phải là cuộc đọ sức giữa các quốc gia hay các hãng dược phẩm mà phải là cuộc chạy đua với dịch bệnh vì mục tiêu cùng nhau vượt qua thách thức y tế nghiêm trọng của nhân loại này.

Theo TTXVN