Nhà báo Bảo Kim và những bài báo đầu tiên của tôi

Một trong những người đã “chăm sóc” những bài báo đầu tiên ấy là nhà báo Bảo Kim (ảnh), nguyên Phó TBT Báo Ninh Thuận, nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Ninh Thuận.

Tôi viết báo từ năm nhất đại học. Tới giờ, sau gần 30 năm làm báo, kỷ niệm về những bài báo đầu tiên vẫn không phai.

Tôi thích viết báo, ban đầu chỉ là nhìn và kể lại những gì xảy ra xung quanh mình. Một lần về thăm nhà, sau khi thuyết phục gia đình cho tiền mua cái máy ảnh Zenith, tôi nhờ Nhà báo Thái Quang Trung (Phó TBT Báo Ninh Thuận) dạy mình chụp ảnh. Sau cuộn phim đầu tiên thì chụp được, dĩ nhiên để làm chủ cái máy ảnh cơ đầu tiên ấy, tôi còn phải mày mò thêm vài tháng.

Mùa hè đầu tiên, về nghỉ hè, tôi viết bài gửi báo Ninh Thuận và được đăng. Sau mấy bài báo, tôi lên gặp BBT xin cộng tác. Nhà báo Thái Quang Trung dẫn tôi vào phòng Thư ký Toà soạn Bảo Kim.

Anh Bảo Kim hỏi tôi định viết về đề tài gì, tôi trình bày, và anh nhắc: Nên khai thác như vầy, như vầy. Là gợi ý vậy thôi, anh Bảo Kim không “đóng khung ý tưởng” của cộng tác viên.

Gần 30 năm trước, phong trào chơi bon sai, cây cảnh tự nhiên bắt đầu nở rộ. Từ quán thẻ đến Vĩnh Hảo, người dân nghèo lên rừng đào cây cảnh mang ra quốc lộ 1 bán. Tôi hỏi anh Bảo Kim liệu tôi có thể viết về họ, thế rồi tôi theo những người khai thác cây cảnh đi rừng mấy ngày. Phóng sự đầu tiên về nghề đào cây cảnh được đăng 2 kỳ, mỗi kỳ gần kín 2 trang báo. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đăng bài dài và nhiều ảnh vậy. Nhìn bài báo được trình bày chăm chút, tôi thầm cám ơn hoạ sĩ Phương Anh và Thư ký toà soạn Bảo Kim đã nâng niu sản phẩm của mình.

Báo đăng bài khi tôi đã trở lại trường chuẩn bị năm học mới. Ngày nhận tờ báo biếu kèm nhuận bút mà toà soạn báo Ninh Thuận gửi vào, tôi sướng quá ngồi trên giường ở Ký túc xá đọc mải miết. Nó giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục viết. Tôi viết nhiều về đời sống của doanh nhân, sinh viên và những gương mặt thành công lẫn những thân phận của người Ninh Thuận ở Sài Gòn. Nghỉ tết hoặc nghỉ hè về Ninh Thuận, tôi lại đi viết về mảnh đất quê nhà. Anh Bảo Kim cho tôi đi cùng phóng viên Nguyễn Trung để tôi có thể tiếp cận những đề tài, những nguồn tin mà một người viết báo tự do khoa tiếp cận do không có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.

Thâm tâm, tôi nghĩ mình may mắn khi có môi trường và được tạo điều kiện trong thuở ban đầu đến với nghề báo. Một trong những người đã tạo điều kiện cho tôi đến với nghề là nhà báo Bảo Kim.

Em trai tôi sau này cũng viết bài cho báo Ninh Thuận khi còn là sinh viên. Tôi nhớ anh từng lên gặp anh Bắc Việt ở tỉnh uỷ đề nghị nó về thì báo Ninh Thuận nhận. Không phải vị tình riêng, anh muốn bổ sung cho báo những cây bút kế cận sau này.

Anh Bảo Kim là một trong những thư ký toà soạn có thâm niên lâu nhất trong làng báo Việt Nam. Anh về hưu, vẫn tiếp tục sống cùng nghề báo. Tôi nghĩ anh rất hạnh phúc khi hơn 40 năm qua được sống trọn vẹn với nghề.

Giờ thì, tình cờ, bố mẹ tôi thành hàng xóm của anh. Nhà báo Bảo Kim đàn anh của tôi về hưu, sáng chiều chăm cháu và đi tắm biển. Anh giống một lão ngư dân. Sáng ra biển thấy người ta kéo lưới có mớ cá ngon nhảy tanh tách thì mua chừng mấy chục ngàn rồi về thả vô nồi nước sôi, thả chút lá me, dầm chén mắm nhứt với ớt rồi rót một xị nếu không có bạn thì ngồi uống một mình. Xong ăn hai chén cơm.

21-6, nhớ ngày mới vào nghề. Tối qua tôi lại có dịp khề khà với anh - ông hàng xóm đàn anh của mình trong nghề báo!