Nước sạch và cuộc sống

Một trong những mục tiêu thiên niên kỷ được nhắc đến rõ ràng, rành mạch nhất trong giai đoạn hiện nay chính là các vấn đề liên quan đến nước sạch. Theo dự đoán, trong vài năm tới, chúng ta có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 10 triệu người dân đang có nguy cơ mắc bệnh do sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, giếng đào, sông hồ, ao, suối bị nhiễm asen hay còn gọi thạch tín. Để khắc phục những tình trạng trên, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, từ ngân sách nhà nước, ODA và xã hội hóa đã xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung nhằm đưa nước sạch về với người dân nông thôn, tăng tỷ lệ người dân nông thôn ở các địa phương được sử dụng nước sạch.

Người dân thôn Suối Le, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) đã có nước sinh hoạt ổn định. Ảnh: Hồng Lâm

Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả (PforR) do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ từ năm 2016 - 2021, trong đó có tỉnh Ninh Thuận. PforR là cách tiếp cận mới để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, được thực hiện thông qua việc áp dụng phương pháp lập kế hoạch và tài trợ dựa trên kết quả và bằng cách cải thiện cơ cấu tổ chức liên quan đến các hệ thống quản trị, đấu thầu mua sắm, quản lý tài chính và quản lý môi trường và xã hội. Chương trình tập trung vào ba lĩnh vực: cấp nước; vệ sinh trong trường học và hộ gia đình; cải thiện thể chế, bao gồm cải thiện công tác lập kế hoạch, giám sát và đánh giá. Đặc biệt, Chương trình sẽ thẩm dịnh hiệu quả đạt được và kiểm đếm cả ba mục tiêu chính của chương trình: Cung cấp dịch vụ cấp nước bền vững; vệ sinh toàn xã; tăng cường năng lực lập kế hoạch và giám sát cấp nước vệ sinh môi trường nông thôn.

Trong khuôn khổ Chương trình, tại Ninh Thuận có 8 công trình được đầu tư cải tạo sửa chữa hoặc xây mới trong giai đoạn 2018-2019, bao gồm: Nhà máy cấp nước Hữu Đức (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), hệ thống cấp nước Ma Nới và hệ thống cấp nước Tà Nôi (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn), hệ thống cấp nước Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái), hệ thống cấp nước Phước Đại – Phước Thành (xã Phước Đại, Phước Thành, huyện Bác Ái), Công trình đấu nối đường ống HTCN Phước Trung cho thôn Suối Le (xã Phước Kháng, huyện Bác Ái), công trình đường ống nước thô Kiền Kiền (xã Lợi Hải, Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc), hệ thống cấp nước Đá Hang (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), hệ thống cấp nước An Nhơn – Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải).

Do một số nguyên nhân về phong tục, tập quán, tâm lý e ngại hoặc sợ tốn kém,… nên người dân nông thôn ưa chuộng sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào, công trình cấp nước tự chảy từ sông hồ, ao, suối... Tuy nhiên, xét về khía cạnh kinh tế và sử dụng nước ổn định về lâu về dài, nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đầu tư với khoản chi phí thấp, cấp nước 24/7, chất lượng nước đạt quy chuẩn an toàn quốc gia. Đồng thời, sử dụng nước sạch là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại sự phồn thịnh cho dân cư vùng nông thôn. Vì thế, thay vì phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để làm giếng, bể lọc, chi phí bơm nước, lấy nước … để sử dụng, chi phí hàng năm có thể lên đến chục triệu đồng mà chất lượng nước không đảm bảo, không được kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người dân. Hãy sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung!