Ngành Giáo dục và Đào tạo: Nhiều hoạt động thiết thực trong học tập và làm theo Bác

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) luôn quán triệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những phong trào, hoạt động thiết thực, góp phần tạo chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, hành động của cán bộ, giáo viên (CBGV), học sinh (HS) và nâng cao chất lượng dạy-học.

Để Chỉ thị số 05-CT/TW được triển khai hiệu quả, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đội ngũ CBGV, HS nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW vào tiêu chí bình xét thi đua, xếp loại đảng viên, CBGV. Từng học kỳ và cả năm học, mỗi đảng viên, CBGV đăng ký học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cá nhân, tập thể và điều kiện thực tế.

Giáo viên Trường THPT An Phước đoàn kết thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: SN

Cùng với đó, các cơ quan, trường học đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành sinh hoạt nền nếp, thường xuyên; quan tâm, làm tốt các chuyên đề: Xây dựng văn hóa, quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định đạo đức nhà giáo; gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dạy tốt, học tốt”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… Qua thực hiện các chuyên đề, phong trào thi đua, nhiều CBGV không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tích cực tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến đầu năm học 2019-2020, hầu hết CBGV của ngành có trình độ đạt chuẩn, có 6 CBGV được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 57 GV được công nhận danh hiệu GV THPT dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ III, năm học 2019-2020.

Cùng với cuộc vận động dành cho CBGV, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” cũng là nội dung học tập và làm theo Bác được ngành GD&ĐT quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, bình đẳng, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của HS. Để phong trào triển khai hiệu quả, các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS; xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp-an toàn; dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, lứa tuổi HS; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh; tạo điều kiện để HS tham gia tìm hiểu, chăm sóc, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương... Ban Giám hiệu các trường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh các phong trào, hoạt động: Khuyến học-khuyến tài; nhân đạo-từ thiện; “Nhà em treo ảnh Bác Hồ”, “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo”; HS thi đua thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”… Thông qua các phong trào, hoạt động nói trên, chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng được nâng lên. Học kỳ I, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 85,5% HS THCS, 79,9% HS THPT xếp loại học lực từ trung bình trở lên. Cấp TH có 95,51% đạt trở lên về mặt tự học, giải quyết vấn đề; 97,36% đạt trở lên về mặt hợp tác; 98,09% HS đạt trở lên về mặt tự phục vụ, tự quản. Đối với giáo dục mũi nhọn, có 276 HS đoạt giải Kỳ thi chọn HS giỏi THCS, THPT cấp tỉnh; 17 HS đoạt giải Kỳ thi chọn HS giỏi văn hóa cấp quốc gia; có em Đổng Trọng Nghĩa, HS lớp 5D, Trường TH Mỹ Hương (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Toán trí tuệ Quốc tế năm 2019 tổ chức tại Thái Lan.

Bên cạnh những hoạt động nêu trên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, CBGV ngành GD&ĐT đã phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, như: Tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp; mua sắm thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, lắp thêm bồn rửa tay; hướng dẫn HS học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học; tổ chức các buổi vận động HS ra lớp sau thời gian nghỉ học dài ngày; nâng cao chất lượng dạy-học và thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch khi HS trở lại trường… Đặc biệt, nhằm góp phần phòng, chống dịch COVID-19, thầy giáo Nguyễn Trần Thái Vũ và em Võ Thanh Minh Nhật, HS lớp 11C5, Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) còn nghiên cứu, sáng chế, đưa vào sử dụng máy rửa tay sát khuẩn tự động. Từ hiệu ứng tích cực mà sáng chế mang lại, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản thông qua Dự án Giảm nhẹ rủi ro thiện tai và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm tỉnh Ninh Thuận-trong khuôn khổ Sáng kiến trường học an toàn, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo trong mùa dịch COVID-19 đã quyết định hỗ trợ kinh phí để thầy và trò nhà trường tiếp tục sáng tạo, thử nghiệm, lắp ráp thêm 65 chiếc máy, với tổng kinh phí 92 triệu đồng. Cuối tháng 5 vừa qua, Sở GD&ĐT đã trao số máy trên cho các trường thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn, Bác Ái, giúp các trường có thêm điều kiện làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

với việc triển khai đồng bộ nhiều phong trào, hoạt động và những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT đang triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBGV, HS trong dạy-học, rèn luyện, tạo chuyển biến và nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện.