Vai trò của châu Âu trong vấn đề giữa Mỹ và Iran

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc hai nước chịu ngồi vào bàn đàm phán được nhận định là điều rất khó xảy ra. Hơn nữa, với những nghi kị và khác biệt ý thức hệ nên các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran nếu có diễn ra thì cũng được nhận định tiềm ẩn rất nhiều biến số khó đoán. Trong lúc này, các nước châu Âu được xem là có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt các vấn đề giữa Mỹ và Iran.

Xung đột Mỹ - Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCOPA) được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) vào tháng 7-2015. JCPOA quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi lên nắm quyền đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCOPA (vào tháng 5-2018) bất chấp sự phản đối của Iran và sự thuyết phục của các đồng minh EU, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Từ đó, Mỹ từng bước tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán.

Đáp lại những bước đi của Mỹ, năm 2019, Iran liên tục thực hiện các bước đi thu hẹp cam kết của nước này trong thỏa thuận hạt nhân, theo đó tăng mức độ làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg nhằm gây sức ép đối với các bên còn lại trong thỏa thuận để bảo vệ nền kinh tế của Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như để nước Cộng hòa Hồi giáo này được hưởng đầy đủ các lợi ích trong khuôn khổ thỏa thuận.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran cứ thế leo thang. Ngay ở thời điểm đầu năm 2020, quan hệ giữa hai nước đã bị đẩy lên mức căng thẳng cao độ sau màn không kích của lực lượng quân sự Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) giết hại Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) (ngày 3-1) và màn đáp trả bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự ở Iraq có quân Mỹ đồn trú (ngày 8-1).

Mới đây nhất, chính quyền Mỹ ngày 13-5-2020 đã công khai đe dọa phát động lại tất cả lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt với Iran nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran. Đây là lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Iran được áp dụng từ năm 2015 và dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10-2020 tới theo thỏa thuận hạt nhân. Động thái này tiếp tục khiến quan hệ Mỹ-Iran bên bờ vực và đặt các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tình thế khó xử.

Đặt châu Âu rơi vào thế khó

Dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, thời gian qua các nước châu Âu, “khách hàng” của Iran, đã phải chật vật tìm cách bảo vệ các công ty của họ nếu muốn tiếp tục làm ăn với Iran nhưng không muốn bị Mỹ trừng phạt. Do đó, kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA và Iran cũng liên tiếp có các bước đi thu hẹp cam kết, các nước châu Âu đã rất “đau đầu” trước cách thức phản ứng bằng việc Iran vi phạm các cam kết trong JCPOA, nhưng châu Âu đồng thời cũng rất nỗ lực để “cứu” thỏa thuận.

Để cứu vãn thỏa thuận bên bờ sụp đổ, Liên minh châu Âu đã đồng ý tạo ra một cơ chế được gọi là Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex), tức là một dạng sàn trao đổi hàng hoá giữa châu Âu và Iran mà không cần dùng đến tiền tệ. Tuy nhiên việc thực hiện cơ chế này chủ yếu vẫn chỉ là trao đổi hàng hóa nhân đạo và thực phẩm. Mới đây, ngày 31-3-2020, ba nước Anh, Pháp và Đức mới vừa thực hiện giao dịch đầu tiên thông qua cơ chế thương mại Instex, cho phép vận chuyển các trang thiết bị y tế tới Iran. Nhiều tập đoàn lớn của châu Âu cũng đều phải huỷ bỏ các kế hoạch đầu tư đang triển khai và rút khỏi Iran kể từ khi Mỹ đe doạ trừng phạt các nước làm ăn với Iran. Việc cơ chế Instex không mang lại kết quả như Iran mong muốn cũng buộc Tehran có động thái cứng rắn.

Đứng trước những động thái cứng rắn của Iran, ba nước Anh, Pháp, Đức vào tháng 1-2020 đã quyết định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo hiệp định JCPOA, sau nhiều lần trì hoãn. Ðộng thái kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong JCPOA nhằm cho phép các nước thành viên EU có thêm thời gian thuyết phục Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân sau khi Tehran thực hiện một loạt biện pháp cắt giảm cam kết trong thỏa thuận. Tuy nhiên, biện pháp mới này cũng có thể làm khôi phục các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với chính quyền Tehran. Bởi, theo điều khoản nêu trong JCPOA, một bên tham gia có thể kiến nghị lên một Ủy ban chung về việc bên khác vi phạm thỏa thuận nghiêm trọng. Nếu tranh chấp không được giải quyết tại Ủy ban chung thì sẽ được đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ, dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Iran.

Việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran được đánh giá có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng tại khu vực Trung Ðông. JCPOA giúp phương Tây giảm lo ngại về nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, việc Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và tiếp sau là hàng loạt tuyên bố của Tehran về thu hẹp việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận JCPOA đã đặt EU vào thế khó.

Các nhà phân tích nhận định, bị mắc kẹt ở giữa, châu Âu không thể chờ đợi điều gì đó xảy ra để đóng vai trò hòa giải mà khối này cần phải đi đầu trong việc giải quyết vấn đề Iran. Trong bối cảnh Mỹ đe dọa sẽ áp dụng trở lại tất cả lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran vào tháng 10 tới, các nhà phân tích cho rằng EU, Pháp, Đức và Anh cần phải đi đầu trong việc thiết kế một sự sắp xếp toàn diện hơn để tránh bế tắc xảy ra vào tháng 10 tới.

Theo giới phân tích, EU cần có vai trò trong việc dẫn dắt đi đến một thỏa thuận đổi mới hơn so với các nguyên tắc và mục tiêu ban đầu của thỏa thuận JCPOA, song cũng phải đảm bảo cả vấn đề năng lực vũ khí và đạn đạo thông thường của Iran. Nếu EU làm được điều này sẽ giúp trấn an Mỹ và giảm được sự đối đầu giữa các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bởi hiện tại Iran được cho là đang sở hữu kho tên lửa đạn đạo đồ sộ nhất Trung Đông. Đây được xem là vũ khí nguy hiểm nhất của Iran nếu xảy ra xung đột quân sự với Mỹ. Ngoài ra, EU cũng cần chủ động đề nghị Mỹ tham gia vào quá trình đề xuất một kế hoạch toàn diện cho sự ổn định ở khu vực vùng Vịnh, tránh những đối đầu vô tình giữa hai nước. Nhiệm vụ sẽ là vô cùng lớn nhưng không phải là không thể đối với các nước châu Âu.

Theo TTXVN