Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất hậu COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng kinh doanh; nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng, giáo dục, lưu thông vận chuyển hàng hóa, các DN trong lĩnh vực sản xuất như: dệt may, nhân điều, chế biến tôm... gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Việc triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió, gặp khó khăn, giảm tiến độ do chờ nhập khẩu thiết bị.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, đơn vị DN trong tỉnh cũng đang nỗ lực vượt khó, đề ra các giải pháp để ứng phó, nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đợt thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phòng dịch, toàn tỉnh có 2.650 DN bị ảnh hưởng, chiếm 82,5% tổng số DN đang hoạt động với tổng doanh thu bị thiệt hại trên 4.540 tỷ đồng; trong đó có 911 DN bị thiệt hại từ 70% trở lên, có 615 DN bị thiệt hại từ 30 đến 70% và có 1.126 DN bị thiệt hại dưới 30% doanh thu so với cùng kỳ...

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng rõ rệt, nhiều DN xin tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Chỉ tính đến ngày 30-4, số lao động nghỉ việc đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 1.160 lao động, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thông qua Chi cục Hải quan tỉnh chỉ đạt 14,51 triệu USD, giảm 26,23% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 78,53 triệu USD, giảm gần 80% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực tín dụng, có 1.433 khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 2.438 tỷ đồng...

Nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư, UBND tỉnh đã bám sát Nghị quyết số 01 của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đề ra 206 nhiệm vụ cụ thể, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, gồm: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN; tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư; xử lý vướng mắc về lao động và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo triển khai các chính sách của Chính phủ như: Hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến từng DN bị ảnh hưởng dịch để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân có điều kiện duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã cho phép các DN tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với DN bị ảnh hưởng dịch khi có từ 50% lao động phải nghỉ việc để tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, tái hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời kiến nghị trung ương xem xét cho miễn đóng bảo hiểm xã hội đối với tất cả các DN bị ảnh hưởng dịch mà không khống chế ở tỷ lệ 50% lao động phải nghỉ việc. Bởi trong thực tế, nhiều DN bị ảnh hưởng tình hình dịch, rất khó khăn nhưng phải duy trì hoạt động cầm chừng, bố trí giãn việc cho công nhân làm luân phiên, đảm bảo duy trì mức lương tối thiểu để “giữ chân” và không để người lao động mất việc, nhưng những trường hợp này không được dừng đóng bảo hiểm xã hội...

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, do đó tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp cùng các địa phương tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng, các chính sách về thuế do trung ương ban hành; rà soát cắt giảm phí, lệ phí theo thẩm quyền của địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện và hỗ trợ DN thực hiện và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hy vọng rằng với những những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực, kịp thời, các DN sẽ sớm vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, tiếp tục tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.