Dự án Đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm: Giải pháp đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực lân cận

Dự án Đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm do Tổng Công ty Truyền tải điện quốc Gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung làm quản lý dự án, được khởi công từ tháng 12-2017, dự kiến hoàn thành đóng điện vận hành công trình trong năm 2020.

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải ngày càng cao; đồng thời, tạo mạch vòng liên kết lưới điện 220kV khu vực Duyên hải miền Trung, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực.

Công trình được đầu tư xây dựng với quy mô kết cấu cột thép hai mạch, treo trước một mạch. Toàn tuyến có chiều dài trên 88km, tổng cộng 176 vị trí cột, dây dẫn loại ACSR-400 mm2, điểm đầu tại thanh cái 220kV của Trạm biến áp 220kV Nha Trang và điểm cuối là thanh cái 220kV của Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm. Tuyến đường dây đi qua địa phận Tp. Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, Tp. Cam Ranh (Khánh Hòa), huyện Bác Ái và Thuận Bắc (Ninh Thuận). Xây dựng mới 1 ngăn xuất tuyến 220kV tại Trạm biến áp 220kV Nha Trang và 1 ngăn xuất tuyến 220kV, 1 ngăn máy cắt vòng và thanh cái vòng tại Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm. Công trình được thực hiện bởi các đơn vị: Đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4; đơn vị thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Điện lực Licogi 16 - Công ty Cổ phần Thái Bình Dương - Công ty Cổ phần Licogi 16; đơn vị tư vấn giám sát là Liên danh Công ty Cổ phần Khảo sát Thiết kế xây dựng công trình và Công ty Cổ phần EVN Quốc tế.

Công trình đường dây truyền tải Nha Trang - Tháp Chàm đang đầu tư xây dựng.

Sau thời gian triển khai thi công, đến nay, các ngăn xuất tuyến 220kV tại Trạm biến áp 220kV Nha Trang và Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm đã được nghiệm thu hoàn thành. Phần đường dây đã thực hiện đào đúc 103/176 móng, dựng 92/176 cột, tiếp địa 102/176 vị trí. Với phương châm thi công xong hạng mục nào sẽ kiểm tra nghiệm thu, xử lý dứt điểm các tồn tại nếu có của hạng mục đó, Truyền tải điện Khánh Hòa hiện đang phối hợp hỗ trợ các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác nghiệm thu nhằm đẩy nhanh tiến độ sớm đưa công trình vào vận hành.

Trong những năm gần đây, các địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ thu hút đầu tư nguồn năng lượng tái tạo lớn, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời. Đến thời điểm hiện tại có nhiều dự án được triển khai đưa vào vận hành, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh ta và Bình Thuận. Trong thời gian tới, tiếp tục có thêm các dự án đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn các huyện đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch.

Hiện nay, với 1 đường dây 220kV Tháp Chàm - Nha Trang hiện hữu thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy - quá tải và còn nhiều lượng công suất cần được giải tỏa tại điểm nút Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm. Để các dự án năng lượng tái tạo đã và đang triển khai mang lại hiệu quả, thì việc triển khai phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải điện gắn với quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thật sự cần thiết. Theo đó, trong thời gian vừa qua, EVNNPT đã chỉ đạo và tập trung tối đa mọi nguồn lực, bám sát tình hình, xử lý ngay những vướng mắc để triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ trong công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện truyền tải nhằm góp phần phần giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn khu vực Nam Trung Bộ, một trong số đó có dự án đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm.

Với tình hình phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lượng công suất rất lớn từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà như hiện nay dẫn đến công suất truyền tải trên lưới điện tăng cao, sẽ gây quá tải hệ thống lưới điện trong khu vực. Do đó, việc triển khai xây dựng và sớm đưa vào vận hành đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm sẽ góp phần giải toả công suất nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực, giảm bớt tình trạng quá tải cục bộ trên tuyến đường dây truyền tải điện; đồng thời, nâng cao sự ổn định, độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống.