Chamaléa Liếp - Dành trọn một đời gắn bó với nhạc cụ Raglai

Tiếng gõ lúc trầm, lúc bổng của Mã La, điệu nhạc réo rắt của đàn Chapi, kèn bầu đã níu giữ tâm hồn nghệ sĩ của ông Chamaléa Liếp, xã Phước Thành (Bác Ái) gắn bó trọn cuộc đời với nhạc cụ Raglai. Vì thế dù ở độ tuổi 80, ông Liếp vẫn tiếp tục miệt mài trên hành trình sưu tầm, nghiên cứu những tinh hoa nghệ thuật của nhạc cụ dân tộc, từ đó truyền dạy cho thế hệ con cháu mai sau.

Đến với gia đình ông Liếp là đến với không gian đậm chất văn hóa Raglai, chúng tôi nói thế vì khi vừa đến thăm nhà, ông cùng đội văn nghệ do chính mình thành lập đã dành tặng cho chúng tôi một điệu nhạc từ Mã Lã như thay một lời chào đón khách. Trong căn nhà sàn rộng chừng 30m2 được ông Liếp gọi vui là “bảo tàng thu nhỏ” bởi vì trong căn nhà lưu giữ gần như đầy đủ các loại nhạc cụ của đồng bào Raglai. Để chúng tôi có cái nhìn rõ nét hơn về từng loại nhạc cụ, ông Liếp giới thiệu về cấu tạo, cách sử dụng, các nghi lễ khác nhau thì cần sử dụng các nhạc cụ nào. Cách ông nói say sưa như dành trọn hết niềm đam mê, tâm huyết đặt vào chúng. Hiện nay, ông Liếp đang lưu giữ 2 bộ Mã La (18 chiếc), đàn Chapi, kèn bầu, trống, tù và...trong số đó được gia đình truyền lại, có cái ông mua và có cái được ông tự làm, nhưng phần lớn là được ông mua lại từ các phần thưởng mà ông nhận được trong quá trình tham gia công tác tại địa phương và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đối với ông, đây là cả một gia tài lớn trong hành trình đi làm giàu cho văn hóa dân tộc. Chia sẻ về cơ duyên gắn kết với nhạc cụ dân tộc, ông Liếp nói: Ngày còn bé theo chân mẹ đến các lễ hội, những âm điệu đẹp đẽ đã thôi thúc tôi tìm đến và học các nhạc cụ dân tộc này. Ngày kháng chiến, cây đàn chapi, sáo trúc luôn là vật tôi mang theo bên mình để làm niềm tin vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù và ngày nay chúng là niềm vui sống của bản thân tôi.

Ông Chamaléa Liếp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ cho các thành viên đội văn nghệ do ông lập ra.

Càng yêu những giai điệu núi rừng bạt ngàn, ông Liếp lại càng trăn trở phải làm thế nào để duy trì và bảo tồn các giá trị truyền thống của đồng bào Raglai, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc trước làn sóng âm nhạc hiện đại đang lấn át. Nghĩ đi đôi với làm, ngoài công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bác Ái, ông Liếp cố gắng dành nhiều thời gian để vận động các thành viên trong gia đình, hàng xóm tham gia học cách sử dụng nhạc cụ. Đánh dấu bước đầu thành công, đầu năm 2019, ông Liếp thành lập được 2 đội văn nghệ dân tộc với 19 thành viên, đủ các lứa tuổi tham gia. Với kinh nghiệm biểu diễn tại nhiều hoạt động văn hóa của trung ương, tỉnh cùng quá trình dày công nghiên cứu nhạc cụ, ông Liếp tận tình chỉ dạy cho các thành viên từ những kiến thức cơ bản cho đến khó. Cứ thế mỗi ngày, các thành viên lại quay quần bên nhau trong căn nhà sàn của ông Liếp để luyện tập. Vì có chung niềm đam mê với âm nhạc truyền thống nên sau gần nửa năm đi vào hoạt động, tất cả các thành viên đều sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ, đồng thời trở thành lực lượng nồng cốt của huyện trong tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ. Ông Liếp cho biết: Tôi yêu và đam mê các loại nhạc cụ bằng niềm tin đơn giản rằng lưu giữ chúng lại để khỏi thất truyền bởi nhiều thứ văn hóa khác xâm nhập. Vì đối với tôi, khi người Raglai không còn dùng, không còn niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc thì có nghĩa là mất đi bản sắc quý báu của đồng bào mình rồi. Nhận thấy cần có trách nhiệm nên tôi luôn cố gắng góp sức lực của bản thân dù chỉ là những việc nhỏ như thế này để cùng với địa phương duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Cả cuộc đời gắn bó với nhạc cụ dân tộc bằng tâm huyết của người con Raglai, ông Liếp vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cùng nhiều bằng khen của tỉnh, huyện với những đóng góp tích cực của ông trong quá trình công tác tại địa phương. Nặng lòng với công tác lưu giữ và phát huy nhạc cụ dân tộc thế nên ông Liếp còn tính xa hơn chuyện chọn thành viên Chamaléa Nhờ và Chamaléa Mệnh là người tiếp tục kế cận, tiếp quản trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ tại địa phương khi ông yếu đi để giữa núi rừng hùng vĩ Bác Ái bày, những điệu đàn vẫn tiếp tục vang lên giữa nhịp sống hiện đại.