CPI tháng 4 tiếp tục giảm

Trong kỳ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2020, nếu so với tháng trước, chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh giảm 0,73%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm hàng hóa giảm, gồm: May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,02%; giao thông giảm 12,93%; Bưu chính viễn thông giảm 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,83%.

Có 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,73%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%. Riêng nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ số giá tương đối ổn định.

Giá xăng dầu nhiều lần điều chỉnh giảm, tác động làm CPI tháng 4 tiếp tục giảm.
(Trong ảnh: Nhân viên Petrolimex Chi nhánh Ninh Thuận đang bán xăng cho khách hàng).

Nguyên nhân làm cho CPI tháng 4 giảm là do, giá gas giảm 20,44% so với tháng trước làm giá gas trong nước điều chỉnh giảm 69.000 đồng/bình 12kg tùy loại theo giá gas thế giới, làm CPI chung giảm 0,14%. Bên cạnh đó, ngày 13-4-2020, giá xăng dầu cũng điều chỉnh giảm, trong đó: Xăng A95 giảm 650 đồng/lít, giá xăng Ron E5 giảm 620 đồng/lít; dầu Diezen giảm 440 đồng/lít so với tháng trước, bình quân giá xăng, dầu tháng 4 năm 2020 giảm 28,55% so với tháng 3 năm 2019, làm CPI chung giảm 1,17%.

Mặt khác, do thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nên các hoạt động đi lại, du lịch, lễ hội và các dịch vụ vui chơi, giải trí giảm so với tháng trước; nhiều cửa hàng hoạt động trong lĩnh vực không phải mặt hàng thiết yếu đã đóng cửa không kinh doanh từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 15-4-2020 đã làm cho doanh thu nhóm này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trong cao, nhưng cũng chỉ tăng nhẹ 0,1%, còn các nhóm mặt hàng còn lại đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Tác động của dịch COVID-19 cũng làm doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4 chỉ đạt 86,3 tỷ đồng, giảm 49,9% so với tháng trước và giảm 69,7% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020 doanh thu lĩnh vực này chỉ đạt 835,2 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Thống kê tỉnh, bên cạnh các nguyên nhân làm CPI giảm như kể trên, vẫn có một số nguyên nhân làm CPI tháng 4 tăng, như: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 một số các mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, riêng mặt hàng gạo giá lại tăng do nguồn cung vụ đông-xuân chưa nhiều trong khi nhu cầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tăng; tình hình xâm nhập mặn của các tỉnh miền Tây ảnh hưởng đến năng suất lúa gạo. Ngoài ra, do khan hàng nên giá heo hơi trên thị trường tự do có dấu hiệu tăng mạnh, làm chỉ số giá thịt heo tăng 3,15% so với tháng trước. Do đó, nếu so với tháng 12 năm trước CPI vẫn tăng 0,95% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,75%. Kết quả trên đã tác động làm CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2020 tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2019.