Đón Ramưwan lành mạnh, an toàn

Năm nay, Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Hồi (Bà-ni, Islam) diễn ra từ ngày 22 đến 24-4. Để bảo đảm tổ chức Ramưwan lành mạnh, an toàn, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1198/UBND-VXNV, về tổ chức Ramưwan năm 2020 của đồng bào Chăm, theo đó các địa phương có đồng bào Chăm theo đạo Hồi thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19

Do sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc, từ lâu đời, đồng bào Chăm theo đạo Hồi chọn 3 ngày đầu tháng chay tịnh Ramưwan. Ngày đầu của Ramưwan, chúng tôi đến thôn đồng bào Chăm An Nhơn (Xuân Hải, Ninh Hải) và ghi nhận không khí tĩnh lặng, êm đềm khác hẳn Ramưwan mọi năm. Theo anh Thành Văn Tân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý thôn An Nhơn, thông thường trước Ramưwan 2 ngày, đồng bào Chăm Bà-ni kéo hết cả làng đi tảo mộ. Ngày tảo mộ đầu tiên là tại khu vực thuộc thôn Mỹ Tường (Nhơn Hải, Ninh Hải), ngày thứ hai tảo mộ tại khu vực Văn Sơn (nay là phường Văn Hải, Tp Phan Rang-Tháp Chàm) và ngày thứ ba sẽ tảo mộ ở nghĩa trang gần làng. Theo lệ, tảo mộ xong là bà con cúng trong 3 ngày. Nhưng năm nay, trước dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, người dân thôn An Nhơn đã không đi tảo mộ trên tinh thần thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 27-3-2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Thánh đường Islam ở thôn An Nhơn được đóng chặt cửa trong dịp Tết Ramưwan.

Toàn thôn An Nhơn có khoảng 10 vị chức sắc (thầy chang) Hồi giáo cũ Bà-ni, để thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, các tu sĩ đã hưởng ứng, không vào chùa trong tháng Tịnh chay này. Ngày trước cứ vào dịp này các vị chức sắc sẽ vào chùa ở hết tháng, nay thì chỉ cúng 3 ngày và chỉ có gia đình đưa cơm đến cho các thầy vào lúc mặt trời mọc (4 giờ sáng) và mặt trời lặn (5 giờ chiều), tuyệt nhiên không có người lai vãng ở trước chùa. Đối với người dân trong thôn, bà con chỉ tổ chức cúng tại nhà, không mời khách, không tụ tập đông người và thực hiện cách ly giữa gia đình này với gia đình khác. Việc cúng kính cũng đơn giản, thậm chí có nhà không cúng. Xã Xuân Hải có 4 thôn đồng bào Chăm, với dân số 8.831 người (tính riêng dân tộc Chăm), ngoài An Nhơn còn có các thôn Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3; đây cũng là địa bàn duy nhất của huyện Ninh Hải tập trung đồng bào Chăm sinh sống. “Lần đầu tiên trong Ramưwan chúng tôi không cúng, dù rất nặng lòng với phong tục tín ngưỡng nhưng bà con vẫn chấp nhận vì hiểu đây là điều cần thiết để chống dịch COVID-19”- chị Nguyễn Thị Kim Bình, thôn Phước Nhơn 3, chia sẻ.

Để dừng các nghi lễ tảo mộ tại các nghĩa trang của người Chăm Bà-ni và các nghi lễ tôn giáo tại các chùa Bà-ni, Thánh đường Hồi giáo Islam, các thôn An Nhơn và Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3 đã tập trung tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống loa. Đơn cử như thôn An Nhơn, Ban quản lý, Ban Công tác Mặt trận thôn ngoài loa còn có tuyên truyền miệng của các chi hội, đoàn thể, nhất là Chi hội Người cao tuổi thôn, đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Ở thôn Phước Nhơn 1, theo ông Thành Thanh Tâm, bà con theo đạo Hồi (cả Bà-ni và Islam) đều thực hiện nghiêm Văn bản số 1198/UBND-VXNV của UBND tỉnh. Là Trưởng Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận, ông Thành Thanh Tâm cho biết thêm, đồng bào Chăm Islam chiếm tỷ lệ hơn 8% trong tổng số khoảng gần 30.000 đồng bào Chăm theo đạo Hồi, hiện các Thánh đường Hồi giáo Islam đều đóng cửa và bà con Hồi giáo Islam đều chấp hành tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Về An Nhơn, nhìn cánh đồng lúa đang thu hoạch rộ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui mới của miền quê hiền hòa này. An Nhơn có 105 ha lúa, vụ đông-xuân thu hoạch đạt năng suất bình quân 6,5 – 7 tạ/sào, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (6,3 tạ/sào), cá biệt có hộ đạt 7 – 7,5 tạ/sào. Anh Thành Văn Tân cho biết: “Nếu vụ đông-xuân năm ngoái, lúa có giá 4.700 đồng/kg, thì đầu vụ này được bán với giá 5.700-5.800 đồng/kg, nay tuy giá hạ bớt còn 5.400 đồng/kg so ra vẫn cao hơn nhiều”. Niềm vui được mùa đã làm cho nhiều nông dân thôn An Nhơn phấn khởi. Một trong số đó là chị Tài Thị Kim Huyền, hớn hở giải thích dù vì tập trung chống dịch COVID-19 nên dịp Ramưwan diễn ra thầm lặng, song vẫn vui vì người dân được mùa, được giá.