Hoạt động các ngành, địa phương

* Từ năm 2016 đến nay, ngoài nguồn vốn ban đầu do Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn từ ngân sách huyện Ninh Sơn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp khoảng 22,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình 135 khoảng 3,3 tỷ đồng (hỗ trợ 334 con bò cái sinh sản cho 202 hộ, với kinh phí 2,3 tỷ đồng; tưới tiết kiệm 56 giàn cho 60 hộ, kinh phí 722 triệu đồng; hỗ trợ 4,52 tấn bắp giống cho 296 hộ, kinh phí 180 triệu đồng; hỗ trợ 1,25tấn phân/226ha cho 50 hộ tham gia, kinh phí 45 triệu đồng; hỗ trợ 45 chuồng bò cho 45 hộ dân với kinh phí 90 triệu đồng) và Chương trình xây dựng nông thôn mới với kinh phí 19,2 tỷ đồng.

* Theo kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của huyện Thuận Nam, phấn đấu hàng năm, địa phương sản xuất khoảng 5.000 ha. Trong đó, cây hàng năm 3.740 ha; cây lâu năm 1.260 ha. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 23.740 tấn. Tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025 đạt 205 ha, trong đó, cây hàng năm khoảng 140 ha, cây ăn quả 65 ha. Triển khai xây dựng 4 liên kết sản xuất lúa cánh đồng lớn đạt quy mô 595,5 ha; 1 liên kết sản xuất cánh đồng lớn bưởi da xanh quy mô 60 ha; 2 liên kết sản xuất cánh đồng lớn măng tây xanh quy mô 10 ha; san phẳng mặt ruộng bằng tia laze từ 5-10 ha; tiếp tục nhân rộng 100-150 ha đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Nông dân Phước Nam (Thuận Nam) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng đậu xanh. Ảnh: Văn Nỷ

* Trong Tháng Thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, như: Xây dựng điểm “rửa tay sát khuẩn tại các điểm chợ; phát tờ rơi tuyên truyền; phát miễn phí khẩu trang, chai nước rửa tay diệt khuẩn; tuyên truyền qua loa di động trong khu dân cư và khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. Đã phát 4.300 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch tại các điểm chợ ở trung tâm các huyện, thành phố; phát hơn 14.850 khẩu trang; 3.350 chai nước rữa tay diệt khuẩn. Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã vận động kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ, động viên nhân dân thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam) đang cách ly tập trung và các lực lượng y, bác sĩ, cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, với kinh phí gần 200 triệu đồng.

* Ngày 13-4, Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam tổ chức phun hóa chất cloramin B phòng, chống dịch COVID-19 cho 1.023 hộ dân vùng cách ly y tế thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam. Đoàn đã tổ chức phun xịt hóa chất từng nhà dân, đường làng ngõ xóm trong khu vực cách ly... Qua phun thuốc, nhằm giúp người dân an tâm trong phòng, chống dịch COVID -19 hiện nay.

* Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đẩy mạnh huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 20.687 tỷ đồng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đô thị loại II. Tập trung kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để triển khai các dự án khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, trung tâm thương mại, siêu thị; phát triển hệ thống dịch vụ khách sạn, nhà hàng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, chiếu sáng. Nhiều dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn được đầu tư như các dự án hạ tầng, các khu đô thị Đông Bắc, khu dân cư phía Bắc đường Nguyễn Văn Cừ, dự án Nhà ở xã hội, công viên… Diện mạo đô thị không ngừng đổi mới, khang trang, ngày càng hiện đại.

* Ngành nông nghiệp Phan Rang-Tháp Chàm chuyển dịch phù hợp với quá trình đô thị hóa, đạt hiệu quả sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất sản xuất. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 4,6%/năm, chiếm 4,6% trong cơ cấu kinh tế. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2020 đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Thành phố tập trung đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng. Quan tâm đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ, chú trọng những vùng sản xuất tập trung ở Đô Vinh, Văn Hải, Thành Hải…

* Để kịp thời giúp người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn do dừng hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết để phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ cho 1.586 người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh (mỗi người 200 ngàn đồng), với tổng số tiền 317,2 triệu đồng, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Ninh Thuận ủng hộ. Trong đó, nhiều nhất là Tp. Phan Rang – Tháp Chàm: 741 người, Ninh Phước: 491 người; Ninh Hải: 146 người; Ninh Sơn: 134 người; Thuận Nam: 39 người; Thuận Bắc: 33 người và Bác Ái: 2 người.