Nhơn Hải chủ động phòng, chống hạn

Do thời tiết nắng hạn kéo dài, tính đến ngày 21-2, hầu hết các ao, hồ trên địa bàn xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đã cạn kiệt nước, riêng hồ Ông Kinh chỉ còn 0,03 triệu m3. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung tìm các giải pháp để ứng phó với hạn như: Vận động người dân trồng cây ngắn ngày, sử dụng nước tiết kiệm, chủ động khoan giếng để bổ sung nguồn nước nhằm duy trì sản xuất đối với cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ đàn gia súc, ổn định đời sống người dân.

Để tìm hiểu rõ thêm ảnh hưởng của hạn tại Nhơn Hải, chúng tôi đến hồ Ông Kinh, có dung tích thiết kế khoảng 0,83 triệu m3 nước, là nơi cung cấp nước chủ yếu cho khoảng 200 ha cây trồng chủ lực như hành, tỏi, nho của nông dân địa phương… Tại đây, chúng tôi chứng kiến nước trong hồ đã trơ đáy, nhiều người dân thuê máy xúc đào ao, vất vả khoan giếng, chung quanh đó đàn cừu loay hoay tìm thức ăn dưới mảng đất khô cằn, rạng nứt do hạn gây ra.

Ông Trương Lý ở xã Nhơn Hải, lắp đường ống tại lòng hồ Ông Kinh để chuyển nước về tưới cây trồng. 

Tiến sâu vào lòng hồ Ông Kinh, dưới cái nắng bỏng rát, chúng tôi gặp lão nông Trương Lý, ở thôn Mỹ Tường 1, lo lắng chia sẻ: Để có được nguồn nước tưới cho cây trồng, người dân phải vào lòng hồ để khoan giếng sâu từ 34m đến 100m. Tuy nhiên, không phải ai khoan cũng trúng mạch nước ngầm. Nếu may mắn có mạch nước, người dân tích nước vào ao ngay tại lòng hồ, sau đó dùng máy bơm tăng cấp, bắt đường ống nước đưa nước xuống hạ lưu để sản xuất, tạm thời giải hạn. Ông Lý than thở và cho biết thêm, phải chấp nhận sống chung với hạn, nên ông vừa thuê khoan 2 lỗ giếng, sâu khoảng 34 m trong lòng hồ nhưng chỉ có 1 lỗ khoan có mạch nước ngầm và đầu tư thêm máy bơm, đường ống nhựa dài 1.500 m, mất chi phí khoảng 70 triệu đồng để đưa nước về tưới cầm chừng 6 sào đất đang trồng nho, hành.

Nông dân thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải khoan giếng tìm nguồn nước ứng phó hạn.

Đồng chí Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Hiện nay, xã có 6 thôn đều có nước máy sinh hoạt, dân số có 423 hộ, với hơn 16.000 nhân khẩu; 85% người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, sản xuất chủ yếu là cây hành, tỏi, nho, táo và trồng cỏ chăn nuôi bò, dê, cừu. Do tình hình hạn gây gắt kéo dài làm mạch nước ngầm cạn kiệt, các giếng khoan cũng dần hết nước vì vậy rất khó khăn để chuyển đổi cây trồng và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, chỉ đạo của cấp trên và thông báo nhanh đến cho nhân dân biết để ứng phó hạn kịp thời. Chính quyền tập trung huy động nguồn lực sẵn có, đảm bảo không để tình hình thiếu nước ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Song song đó, vận động người dân sản xuất các loại cây trồng chủ lực phù hợp với thời tiết khí hậu và lượng nước tưới theo từng vùng; gieo trồng những cây ngắn ngày chịu hạn, ít sử dụng nước. Tập trung ưu tiên nước cho diện tích cây lâu năm và đàn gia súc. Riêng đàn gia súc, gia cầm đến nay, địa bàn xã chưa xảy ra dịch bệnh; chưa có dấu hiệu gia súc chết do hạn; người dân nỗ lực trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi và dự trữ thức ăn cho gia súc như cỏ khô, rơm, lá hành khô trong mùa hạn…