Tam Lang nỗ lực chống hạn

Thôn Tam Lang là vùng đất khô hạn bậc nhất của xã Phước Nam (Thuận Nam). Tại đây, người dân địa phương đã đầu tư kinh phí đào ao tích trữ nước nhỉ và nước xả luân phiên của hồ Bàu Ngứ, bơm tưới các loài cây trồng cạn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chi bộ thôn lãnh đạo nông dân nỗ lực chống hạn, trồng hoa màu phủ xanh đất canh tác bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân; đồng thời bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống cho đàn gia súc trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Phước Nam giới thiệu chúng tôi về Tam Lang gặp anh Lê Dấm, Bí thư Chi bộ thôn lãnh đạo hiệu quả công tác chống hạn ở địa phương. Gặp lại ngưòi quen cũ tay bắt mặt mừng, anh Lê Dấm cho biết tuy hạn kéo dài trong nhiều tháng qua nhưng bà con nông dân đang nỗ lực chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn thôn Tam Lang hiện có 49 hộ, với 195 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu từ nguồn thu nhập 32,6 ha đất màu và 10 ha ruộng lúa kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc có sừng. Tất cả các gia đình ở thôn Tam Lang đều làm nhà ở gắn liền với khu đất trồng hoa màu, chuồng trại chăn nuôi gia súc và đào ao chứa nước phục vụ sản xuất. Kết hợp đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước và thực hiện mô hình trồng cỏ, trồng rau muống, khoai lang, nuôi thỏ rừng, nuôi dông cho thu nhập cao phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn. Thương lái thu mua dông tại vườn với giá 500 ngàn đồng/kg, thỏ rừng giá 400 ngàn đồng/kg giúp nhiều nông hộ có thu nhập 30-50 triệu đồng/năm. Các đảng viên Lê Dấm, Lê Văn Dũng, Đào Chín nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu đi đầu trong phong trào vận động nông dân nỗ lực chống hạn, ổn định sản xuất và xây dựng diện mạo nông thôn mới ở khu dân cư ngày càng khởi sắc.

Nông dân Tam Lang ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây trồng vụ đông xuân 2019- 2020.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó bảo đảm ổn định sản xuất nên trong năm 2019 vừa qua, thu nhập bình quân của người dân Tam Lang đạt 41 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với cuối năm 2017. Toàn thôn còn 4 hộ nghèo do già yếu neo đơn được thân tộc và bà con làng xóm đùm bọc giúp các hộ nghèo có cuộc sống ổn định. Hệ thống nước sinh hoạt từ nhà máy nước Phước Nam được Nhà nước hỗ trợ kinh phí lắp đặt đến từng gia đình bảo đảm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cho sinh hoạt người dân địa phương và cung cấp nước uống cho đàn gia súc trong những tháng khô hạn. Chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo nông dân đào ao tích trữ nước nhỉ và áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm gieo trồng hết diện tích trong vụ đông- xuân vừa bảo đảm thu nhập gia đình vừa có thân cây rau màu bổ sung thức ăn cho đàn gia súc.

Bí thư Chi bộ Lê Dấm đưa chúng tôi đến thăm các gia đình thực hiện hiệu quả mô hình chống hạn chuyển dịch đất lúa sang trồng cỏ, trồng hoa màu chăn nuôi gia súc. Tại những nơi đến tham quan, chúng tôi lấy làm ấn tượng khi tận mắt chứng kiến những thửa đất xanh biêng biếc của cỏ voi, bí xanh, dưa hồng, khoai lang. Bà con nông dân ra đồng thu hoạch hoa màu, san phẳng đất vừa nạo nét ao chứa nước. Đến thăm anh Nguyễn Văn Liêm chủ nhân của đàn bò vàng 30 con trị giá trên 400 triệu đồng, được chăm sóc chu đáo mập mạp trong những tháng khô hạn. Anh là nông dân đầu tiên của thôn Tam Lang áp dụng hiệu quả mô hình đào ao tích trữ nước và đầu tư trên 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun cho 7 sào đất trồng hoa màu từ năm 2015 đến nay. Đào ao ven suối tích trữ mạch nước ngầm từ động cát nhỉ xuống đã trở thành nguồn “tài sản” quý giá giúp gia đình anh Liêm và bà con thôn xóm duy trì tốt sản xuất. Hệ thống bơm tiết kiệm nước phát huy tốt hiệu quả sử dụng, anh trồng 7 sào đậu phộng vừa thu hoạch tích trữ cây và mua thêm rơm cuộn dự trữ thức ăn khô cho đàn bò. Đồng thời chuyển 3 sào đất lúa sang trồng cỏ cung cấp nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc. Anh sử dụng nguồn phân bò trở lại bón cho cây trồng trên đồng đất cát theo mô hình sản xuất hữu cơ. Vụ đông- xuân năm nay, anh Liêm trồng cây dưa hồng có thời gian sinh trưởng ngắn, xuống giống khoảng 35 ngày chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch. Thương lái đến tận vườn thu mua dưa hồng với giá 5-7 ngàn đồng/kg. Mỗi sào đất trồng dưa hồng trong thời gian hai tháng cho “lãi ròng” khoảng 10 triệu đồng. Tuy hạn hán kéo dài nhưng anh Liêm vẫn duy trì sản xuất hoa màu và chăn nuôi gia súc bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, nuôi hai con học hành chu đáo.

Anh Lê Dấm cho biết thêm, Đại hội Chi bộ thôn Tam Lang nhiệm kỳ 2020- 2022 xác định phấn đấu thu nhập bình quân trên mỗi ngườ đạt 45 triệu đồng/năm, ngang bằng mức bình quân chung của xã Phước Nam vào năm 2022. Với phương châm còn nước bơm tưới là còn canh tác, bà con nông dân tập trung nạo vét ao tích trữ nước để bơm tưới hoa màu trong những tháng mùa khô năm 2020. Chúng tôi kiên quyết không để xảy ra tình trạng dân khát, dân đói; tập trung chăm sóc tốt đàn gia súc vượt qua những tháng khô hạn. Cán bộ và nhân dân thôn Tam Lang mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng con đường trụ sở thôn đến đường liên xã Phước Nam- Phước Dinh. Đây là giải pháp căn cơ giúp nông dân đi lại thuận lợi khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai vươn lên làm giàu bền vững.