Bác Ái: Chủ động công tác phòng, chống hạn

Từ đầu năm đến nay, do trên địa bàn huyện Bác Ái không có mưa, các con suối đầu nguồn giảm lưu lượng dòng chảy thiếu hụt trên 30% và thiếu nước cục bộ tại các vùng ngoài khu tưới hồ Sông Sắt, Trà Co và ngừng sản xuất tại khu tưới hồ Phước Nhơn do nước xuống thấp. Trước tình hình thời tiết cực đoan, huyện xác định nhiệm vụ ứng phó với hạn là trọng tâm, cấp bách hàng đầu.

Với tinh thần chủ động, khẩn trương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia công tác ứng phó với hạn. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, tổ chức cảnh báo cháy rừng, sản xuất vụ đông - xuân 2019-2020 đảm bảo đúng theo kế hoạch. Trong điều kiện mực nước ở các hồ đập trên địa bàn cạn kiệt, để đảm bảo cho sản xuất có hiệu quả, huyện đề ra giải pháp bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, hạn chế sản xuất lúa, ưu tiên nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc.

Mực nước ở hồ Phước Nhơn, xã Phước Trung xuống thấp do ảnh hưởng của nắng hạn. Ảnh: Hồng Lâm

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông -xuân 2019-2020 có 478 ha đất canh tác phải ngưng sản xuất, toàn huyện chỉ gieo trồng 1.664 ha/2.400 ha; trong đó, lúa 524 ha, số diện tích còn lại là bắp, mì, đậu, dưa hấu, rau quả các loại. Tại vùng “tâm hạn” xã Phước Trung có 4 hệ thống công trình thủy lợi, gồm: Đập Ô Căm, hồ Phước Trung, Phước Nhơn và Thành Sơn lượng nước ít, nên UBND xã khuyến cáo nông dân tạm dừng sản xuất để dành nước tưới cho cây trồng lâu năm, cây ăn quả.

Điều mà huyện Bác Ái lo nhất trong mùa khô là nguy cơ cháy rừng cao và thiếu thức ăn cho đàn gia súc. Để ngăn chặn cháy rừng, huyện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng từ cấp huyện đến xã; tổ chức tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng của người dân bằng những việc làm thiết thực, như: Tích cực tham gia phát ranh cản lửa khi có cháy rừng xảy ra, không đốt lửa nấu ăn trong rừng. Sau khi xảy ra 2 điểm cháy rừng với diện tích thiệt hại 0,5 ha, UBND xã Phước Trung đã lập thêm 4 chốt bảo vệ rừng ở thôn Rã Trên và Rã Giữa, bố trí trực 24/24 giờ.

Đối với chăn nuôi, trên địa bàn huyện đang triển khai các mô hình hiệu quả, đảm bảo sinh kế cho nhiều hộ, như: Nuôi bò dưới tán rừng, nuôi dê sinh sản cho thu nhập khá. Hiệu quả từ khai thác nguồn lợi rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình đã rõ, tuy vậy với số lượng đàn gia súc có sừng của huyện cao như hiện nay, gồm 48.000 con; trong đó, bò 23.721 con, số còn lại là dê, cừu, trâu rất dễ thiếu thức ăn trong mùa khô. Giải pháp để duy trì tổng đàn gia súc huyện đề ra là mở rộng diện tích trồng cỏ từ 73 ha hiện nay lên hơn 100 ha trong thời gian tới, tận dựng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Riêng xã Phước Bình không gieo trồng vụ đông - xuân 2019-2020, thì chú trọng tận dụng thân cây chuối, mua rơm dự trữ thức ăn cho gia súc.

Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Ứng phó với hạn, huyện thực hiện mục tiêu cao nhất là “không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng và vật nuôi”. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, huyện chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tổ chức nạo vét các cống lấy nước và kênh mương, lắp đặt vận hành các trạm bơm dã chiến; đào ao, đắp đập trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt. Phối hợp với các đơn vị triển khai đấu nối, đào kênh dẫn nước từ tuyến ống TM07 của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ về suối Sara để bổ sung khu tưới hồ Phước Trung; từ tuyến ống TM20 dẫn nước về suối Chinh bổ sung cho hồ Thành Sơn. Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; lập phương án hỗ trợ bà con ở những vùng ngưng sản xuất vụ đông - xuân 2019-2020 đảm bảo ổn định cuộc sống.