Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản và những thông tin liên quan Việt Nam

Theo các số liệu quan trắc địa chấn, trận động đất có độ mạnh 9,0 độ rích-te ngày 11-3. là trận động đất mạnh nhất Nhật Bản và là một trong năm trận động đất mạnh nhất thế giới từ khi các thiết bị ghi địa chấn được sử dụng.

 

Chấn tâm động đất gây sóng thần tại Nhật Bản xác định được một cách tự động từ số liệu
mạng lưới trạm địa chấn Việt Nam và lân cận

 Những diễn biến chính của trận động đất gây sóng thần

Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía tây của Bắc và Nam Mỹ. Cơn sóng cao đến 10 mét này đã tiến công vào Nhật Bản và lan sâu đến 10 km vào đất liền. Sin-mô-ê-đa-kê, một ngọn núi lửa ở Kiu-siu, đã phun trào hai ngày sau trận động đất. Ngày 12-3, Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma I thuộc tỉnh Phư-cư-si-ma đã phát nổ do hệ thống làm mát bị hỏng từ trận động đất và sóng thần.

Tới thời điểm này, số người chết và mất tích tại sáu tỉnh của Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng này đã lên đến hơn 26 nghìn người. Trận động đất đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại quốc gia này, bao gồm những hư hỏng nặng nề về đường bộ và đường sắt cũng như gây cháy nổ và sụt lở tại nhiều khu vực.

Nằm trên 'Vành đai lửa Thái Bình Dương', Nhật Bản thường xuyên hứng chịu những trận động đất và hoạt động phun trào của núi lửa. Sự va chạm của hai mảng kiến tạo lớn trên khu vực này là mảng Thái Bình Dương và mảng Bắc Mỹ diễn ra với tốc độ hơn 8 cm/năm sau một thời gian lâu dài đã đạt tới mức độ đủ lớn dẫn đến sự trượt lên nhau của hai mảng. Mảng Thái Bình Dương đâm xuống phía dưới trong quá trình dịch chuyển về phía tây, trong khi mảng Bắc Mỹ trượt lên trên. Kết quả là sự sụt lở và sự trồi lên của đáy biển tạo nên trận động đất mạnh gây sóng thần. Ðây cũng được cho là sự va đập kiến tạo lớn nhất giữa hai mảng Bắc Mỹ và Thái Bình Dương trong 1.200 năm.

Các nghiên cứu địa chấn cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của trận động đất gây sóng thần đối với các quốc gia trong khu vực này về mặt địa lý. Mạng lưới Geonet gồm khoảng 1.200 trạm định vị vệ tinh toàn cầu do Viện Khảo sát địa chất Nhật Bản quản lý cho biết, bờ biển Nhật Bản dịch chuyển mạnh bởi trận động đất, nhiều khu vực thuộc bờ biển Nhật Bản xê dịch khỏi vị trí ban đầu tới 4 m. Kết quả này khá phù hợp với các tính toán của Cục Ðịa chất Hoa Kỳ, cho biết đảo Honshu, hòn đảo chính của Nhật Bản, đã dịch chuyển 5 m về phía đông, làm Nhật Bản gần thêm với Hoa Kỳ.

Theo tính toán của các nhà khoa học thuộc Cục Ðịa chất Anh, trận động đất đã khiến cho trục trái đất dịch chuyển khoảng 16,5 cm. Do sự phân phối lại khối lượng trái đất, tốc độ quay của trái đất tăng lên, một ngày trên trái đất ngắn hơn 1,8 phần triệu giây so với trước đây. Cũng do hậu quả của trận động đất, nhiều dạng thông tin bản đồ, như hướng lái xe hay vị trí bất động sản, dọc theo bờ biển phía đông của Nhật Bản sẽ phải được thay đổi trong tương lai. Trong lĩnh vực hàng hải, các hải đồ cũng phải được vẽ lại bởi độ sâu tại các vùng biển đã thay đổi. Phần lớn bờ biển Nhật Bản lún xuống vài chục cm.

Việt Nam có ghi nhận được động đất Nhật Bản hay không ?

Sóng địa chấn của trận động đất mạnh tại Nhật Bản được phát hiện tức thời tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu nhờ hệ thống báo động và các phần mềm xử lý số liệu tự động. Chỉ 2-3 phút sau khi động đất xảy ra tại Nhật Bản, các thông số của trận động đất này như độ lớn, tọa độ chấn tâm và độ sâu chấn tiêu đã được xác định. Thông số của trận động đất được xác định tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần. Như vậy có thể nói rằng thông tin về trận động đất này đã thu nhận được kịp thời và chính xác từ Viện Vật lý địa cầu.

Ở Việt Nam, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần là thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần trong khu vực và trên thế giới. Tại khu vực Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế bao gồm hai Trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não và các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia. Các hoạt động cảnh báo sóng thần được phối hợp chặt chẽ giữa các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia thành viên với hai trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não của hệ thống là Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm tư vấn sóng thần tây bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng thủy văn Nhật Bản.

Khi có sóng thần phát sinh trên khu vực Thái Bình Dương, các cảnh báo sóng thần phát đi từ hai trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não được truyền trực tiếp tới các trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Quy trình cảnh báo sóng thần được thực hiện liên tục trong thời gian sóng thần đang hoành hành trên toàn khu vực, và chỉ kết thúc sau khi hiểm họa sóng thần đã triệt tiêu. Nội dung của các thông báo này cũng ghi rõ những vùng bờ biển của các quốc gia có khả năng bị sóng thần tiến công, độ cao sóng tới bờ, thời gian tới. Từ đây, cảnh báo về sóng thần được thực hiện trong phạm vi từng quốc gia theo quy chế của Chính phủ. Như vậy, có thể nói thông tin về sóng thần có khả năng gây thiệt hại tới bờ biển Việt Nam sẽ được thông báo kịp thời theo các quy chuẩn của quốc tế.

Liên quan trận động đất gây sóng thần tại Nhật Bản, chín phút sau khi động đất xảy ra, bản tin cảnh báo sóng thần đầu tiên của Cơ quan Tư vấn sóng thần tây bắc Thái Bình Dương của Nhật Bản (NWPTAC) đã được gửi bằng fax và email tới Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu. Trong bản tin này, một loạt quốc gia được cảnh báo sẽ bị sóng thần tiến công như Pa-pua Niu Ghi-nê quần đảo Ma-ri-a-na, Mi-crô-nê-di-a, Mác-san... với chiều cao sóng từ khoảng 0,5 m đến 1 m. Việt Nam không có trong danh sách này. Những bản tin sau đó được đưa ra cách nhau khoảng 20 phút đều khẳng định có sóng thần phá hủy ở khu vực tâm chấn và dự báo sóng thần sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực bờ biển Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Phi-li-pin với chiều cao sóng ở khu vực phía đông từ 1 đến 2m, còn ở khu vực phía tây chỉ khoảng 1 m. Thời gian dự kiến sóng thần đi đến vùng biển Phi-li-pin là khoảng 9 giờ 35 phút (tức 16 giờ 35 phút, giờ Hà Nội). Tham khảo các bản tin cảnh báo sóng thần do Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ cũng đưa ra các cảnh báo tương tự, tuy nhiên mức độ cảnh báo có chi tiết hơn, cảnh báo nhiều vùng bị ảnh hưởng hơn so với cảnh báo của Nhật Bản. Do Việt Nam nằm rất xa tâm chấn về phía tây nam, trong khi sóng thần phát sinh từ bờ đông Nhật Bản, chắc chắn sóng thần sẽ bị chặn đứng bởi lục địa các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Phi-li-pin và sẽ không thể ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.

Nguồn Báo Nhân Dân online