Bác Ái khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, huyện Bác Ái triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt. Nỗ lực của các phòng, ban, xã trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện Bác Ái được phê quyệt tại Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 28-12-2018 của UBND tỉnh, thì trên địa bàn có 59 danh mục công trình, dự án. Năm qua, huyện đã thực hiện được 30 công trình, dự án. Trong đó, 17 công trình, dự án thực hiện có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước với diện tích 74,59 ha và 13 danh mục công trình, dự án ngoài ngân sách nhà nước, với diện tích hơn 133 ha. Việc khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai tạo thuân lợi cho thu hút đầu tư, triển khai các dự án quan trọng. Theo báo cáo của UBND huyện, công trình, dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đáng kể là đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua xã Phước Trung, với diện tích đất bố trí 42,36 ha. Đối với công trình, dự án đầu tư công có 18 công trình (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, nhà văn hóa), với tổng diện tích đất bố trí 61,33 ha.

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường, điểm nổi bật trong thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Bác Ái là sớm giao mặt bằng 70 ha cho Công ty Thiên Tân Solar triển khai dự án Điện mặt trời 6 ở xã Phước Trung tạo điều kiện đưa công nghiệp năng lượng tái tạo về vùng nông thôn miền núi. Cùng với đó, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến đầu năm 2020, đã thực hiện chuyển hơn 174 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện chuyển đổi một số loại đất trong cơ cấu nội bộ đất nông nghiệp để phù hợp với hiện trạng kiểm kê rừng và chỉ tiêu phân khai sử dụng đất trong kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến hết năm 2020. Cụ thể, đất rừng phòng hộ chuyển qua đất nông nghiệp 825,66 ha, đất rừng sản xuất chuyển sang đất trồng cây lâu năm gần 1.600 ha.

Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, huyện đã tổ chức lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 đảm bảo tính thống nhất về quản lý nhà nước ở lĩnh vực đất đai, làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh giao, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khả năng về vốn, nguồn lực lao động, điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên, huyện cân đối chỉ tiêu sử dụng đất năm 2020 đảm bảo nhu cầu sử dụng đất của các ngành. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp hơn 95.647 ha, giảm 426 ha so với năm 2019. Trong đó, đất trồng lúa hơn 1.241 ha, giảm 14,55 ha so với năm 2019 do chuyển 2,08 ha sang làm đường giao thông dọc kênh Chà Là và hệ thống đường trong khu cánh đồng lớn xã Phước Chính; 10,45 ha làm thủy lợi phục vụ Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn - Phước Nhơn, kênh nội đồng xã Phước Tân; 1,53 ha đất dự án Điện mặt trời và kết hợp nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận - Bác Ái 14, đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân đoạn qua huyện. Diện tích đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất cũng giảm so với năm 2019 do chuyển qua đất phi nông nghiệp, đất quốc phòng. Riêng đất rừng đặc dụng phân bố tại xã Phước Bình 19.607 ha, không tăng giảm so với hiện trạng năm 2019. Đối với phần diện tích lâm nghiệp ra ngoài lâm nghiệp theo Quyết định 276/QĐ-UBND ngày 16-7-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025, thì trên địa bàn huyện chuyển đổi phần đất lâm nghiệp ra khỏi lâm nghiệp với diện tích hơn 2.221 ha để xây dựng các công trình thủy lợi, công trình công cộng, sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, huyện Bác Ái có nhiều cố gắng trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, nhằm đưa nguồn lực đất đai vào sử dựng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông, thủy lợi, giáo dục, công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Kết quả này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở vùng miền núi phát triển lên tầm cao mới.