Đổi mới sản xuất nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy, toàn ngành Nông nghiệp đã tập trung tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu nội ngành và triển khai hiệu quả “3 khâu” đột phá, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Từ những nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, các cấp ủy đảng, địa phương đã bám sát các giải pháp đột phá tích cực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hình thức kinh tế hợp tác, từng bước gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao Phúc Farm, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Hữu Phương

Trên lĩnh vực trồng trọt, đã chuyển đổi được 6.156,45 ha, trong đó cây trồng luân canh theo vụ 4.709,36 ha; cây dài ngày 1.447,09 ha. Diện tích cây trồng dài ngày như nho, táo, măng tây xanh, bưởi, mít, thanh long, cỏ chăn nuôi,... đã được khẳng định, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương, đầu ra sản phẩm, có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt nhận thức của người dân đã có chuyển biến rõ nét, tích cực trong tổ chức sản xuất, nhằm ứng phó với hạn hán, biến đổi khí hậu nên đảm bảo tính bền vững trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đáp ứng được mục tiêu nghị quyết đề ra. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 24 liên kết sản xuất cánh đồng lớn, quy mô gần 3.000 ha tại các vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình sản xuất tổng hợp “1 phải, 5 giảm” và liên kết với các doanh nghiệp trong việc đầu tư giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chọn tạo và bổ sung được nhiều giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Về chăn nuôi, đến nay, tổng đàn gia súc của tỉnh có trên 490.000 con; trong đó, gia súc có sừng đang khó khăn về đồng cỏ tự nhiên, nên lượng gia súc chăn thả có giảm, nhưng nhờ giá cả tăng đối với các sản phẩm chăn nuôi, nhất là dê, cừu nên nông dân chủ động trồng cỏ, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tăng tỷ lệ nuôi nhốt nên trọng lượng xuất chuồng bình quân tăng 10 đến 15% so với năm 2015. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 50%, lai tạo đàn dê đạt 85% trên tổng đàn nên chất lượng đàn gia súc ngày càng được cải thiện. Về chăn nuôi heo theo hình thức trang trại được thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghệ khép kín, đến nay đã có 39 trang trại liên kết nuôi gia công cho Công ty Cổ phần CP, với quy mô 37.823 con/lứa, chiếm khoảng 42% tổng đàn, sản lượng thịt heo xuất chuồng chiếm đến 56-58% sản lượng heo hơi cả tỉnh.

Lĩnh vực thủy sản được tập trung phát triển đồng bộ, sản lượng khai thác toàn tỉnh đến cuối năm 2019 được 107.800 tấn, tôm giống được 31.130 triệu con, gắn với Thương hiệu “Nhãn hiệu Chứng nhận tôm giống Ninh Thuận”; diện tích nuôi thủy sản được 1.172 ha; năng lực tàu cá toàn tỉnh có 2.517 tàu/426.000CV, tăng mạnh ở nhóm tàu từ 90CV trở lên, giảm được 44,27% nhóm tàu cá ven bờ. Đã tổ chức được 170 Tổ Đoàn kết xa bờ, với 1.018 tàu thuyền tham gia.. Về diêm nghiệp, đến nay diện tích đồng muối toàn tỉnh có 3.266 ha, sản lượng muối bình quân hằng năm khoảng 420.000 tấn, giá muối thô khá ổn định, chi phí sản xuất thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư muối diêm dân. Tuy nhiên đa phần sản lượng muối được tiêu thụ dạng thô, muối qua chế biến chỉ chiếm khoảng 21,4%, các chế phẩm sau muối còn đang trong giai đoạn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, chỉ có thạch cao được sản xuất 2.500-2.600 tấn/năm.

Đến kết quả “3 khâu” đột phá

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Văn Nỷ

Nghị quyết số 09-NQ/TU đã xác định rõ “3 khâu” đột phá, cần tập trung đẩy mạnh để tạo động lực trong đổi mới sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đó là: Hạ tầng thủy thủy lợi; ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh và việc thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Về đầu tư hạ tầng thủy lợi, trong giai đoạn 2016-2019, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư 63 công trình nâng cấp hệ thống thủy lợi tạo nguồn, kênh cấp II và III với tổng mức đầu tư hơn 2.330 tỷ đồng. Các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng được gần 77 km, góp phần đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động phục vụ sản xuất, nâng tổng số kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên 71,2 km. Do đó, đã nâng diện tích đất trồng trọt chủ động tưới đến nay lên 53,7%. Về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh, trong bối cảnh hạn hán kéo dài, nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ở trình độ thấp, việc tăng trưởng giá trị sản xuất chủ yếu dựa vào tăng diện tích, quy mô sản xuất, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Song nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chính sách và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa hàng năm khoảng gần 6.000 ha/vụ; mô hình ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo trên diện tích 70 ha, bước đầu đã phòng trừ được các bệnh phổ biến, chống ruồi vàng, làm giảm đáng kể chi phí sản xuất, tránh được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm an toàn, tăng năng suất thu hoạch, tăng thu nhập từ 1,6-1,8 lần so với không bao lưới. Mô hình bao trái trên cây nho bằng túi chuyên dụng cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt hơn 680 triệu đồng/ha/vụ; mô hình san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser đã thực hiện được 33ha, qua đánh giá các vụ đã tiết kiệm nước tưới, công chăm sóc, năng suất 73 tạ/ha/vụ, cao 11 tạ/ha so với bình quân chung toàn tỉnh; mô hình trồng măng tây xanh hữu cơ, dưa lưới hữu cơ, nho hữu cơ, điều hữu cơ… bước đầu được nhiều nông hộ áp dụng rộng rãi. Song song đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành, địa phương tham mưu danh mục dự án thu hút đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và đã thực hiện mời gọi được 9 doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở các địa phương mang lại hiệu quả cao...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, toàn tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để thu hút, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công; đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các vùng chuyên canh tập trung phù hợp với lợi thế canh tác từng địa phương… Phấn đấu đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7-8%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp đạt 125,5 triệu đồng, tăng 4,2 lần so năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,38 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm bình quân 2.18%/năm, riêng huyện Bác Ái giảm bình quân 6,15%/năm.