Ninh Thuận: Tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch

Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Thuận “Về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, thời gian qua, ngành Du lịch Ninh Thuận đã được đầu tư phát triển và có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch được tăng cường đầu tư; không gian và các loại hình du lịch được mở rộng phát triển, du khách đến Ninh Thuận ngày càng gia tăng.

Năm 2019, có trên 2.350.000 lượt khách du lịch đến Ninh Thuận (tăng 7,3% so với năm 2018); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.250 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2018, vượt 8,7% kế hoạch). Đến cuối tháng 12-2019, trên địa bàn tỉnh có 58 dự án du lịch được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư; trong đó có 18 dự án đi vào hoạt động, có 12 dự án đã triển khai thi công và 28 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai.

Khu Du lịch Hang Rái, thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).Ảnh: V.Nỷ

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích đất tự nhiên khoảng 3.358 km2, dân số khoảng 600.000 người. Với vị trí địa kinh tế có điều kiện thuận lợi về giao thông, nằm trong vùng khí hậu đặc thù “ít mưa, nhiều nắng, gió”; bờ biển dài 105 km với nhiều vịnh, bãi tắm đẹp còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên; có Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với nhiều hệ động thực vật quý hiếm. Nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, múa Chăm, cùng với các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, Lễ hội Ka tê, các tháp Chăm cổ kính như: Tháp Pôklông Garai, Tháp Pôrômê, Tháp Hoà Lai hầu như còn nguyên vẹn đã trở thành những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá mang dấu ấn riêng của Ninh Thuận. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn ẩn chứa nhiều nét quyến rũ, đặc sắc của con người và cảnh quan thiên nhiên. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, với nhiều loại hình du lịch và sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao so với du lịch của các địa phương.

Thời gian qua, để tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới về chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch. Trên cơ sở Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn tư vấn Monitor thực hiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, nhất là có cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; tâp trung tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch như: xây dựng tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná, tuyến đường đôi phía Bắc vào Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, đường đi bộ ven biển, Công viên biển Bình Sơn và hệ thống chiếu sáng dọc theo bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ… Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận trên các phương tiện truyền thông và thông qua tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá như: Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2019; Ngày Văn hoá, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2019; Lễ hội Ván diều Ninh Chữ 2019… Chính nhờ thực hiện những chủ trương, chính sách ưu đãi và các giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút không ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt niềm tin và mạnh dạn đầu tư vào Ninh Thuận với nhiều loại hình như: Tổ hợp khách sạn - Căn hộ cao cấp - Trung tâm thương mại, Resort nghỉ dưỡng biển... gắn với các loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí.

Các khách sạn được đầu tư để phục vụ du khách tại khu K1 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Minh Hà

Hiện nay, khu vực dải ven biển của tỉnh đang được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ trong lĩnh vực du lịch như: Công ty cổ phần Vinpearl, Công ty cổ phần T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành... Trong đó, một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch. Trong năm 2019, UBND tỉnh đã đồng ý phương án thiết kế quy hoạch các khu du lịch như: Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark quy mô 5.000 phòng; Khu đô thị du lịch sinh thái Nam sông Dinh quy mô 640 ha; Tổ hợp khách sạn, khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower Phan Rang quy mô 3.000 phòng/căn hộ; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xã Vĩnh Hải quy mô 130 ha; Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang quy mô 3.300 phòng/căn hộ và tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3.600 phòng/căn hộ kết hợp khu phố thương mại, công viên chuyên đề ven biển Ninh Thuận từ Bình Tiên đến Cà Ná... Đến cuối tháng 12-2019, trên địa bàn tỉnh có 58 dự án du lịch được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với quy mô diện tích trên 1.867ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 27.700 tỷ đồng; trong đó có 18 dự án đi vào hoạt động với quy mô diện tích 166ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.362 tỷ đồng, có 12 dự án đã triển khai thi công với quy mô diện tích 1.187ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 13.319 tỷ đồng và 28 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai với quy mô diện tích trên 514ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 11.000 tỷ đồng.

Du lịch Ninh Thuận đến nay đã có nhiều khởi sắc. Nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh và tạo được sức hút du khách; không gian du lịch ngày càng được mở rộng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn. Hình ảnh du lịch Ninh Thuận cùng các điểm du lịch đã lần lượt được du khách biết đến, đươc bình chọn vào top “Bản đồ du lịch thế giới”; Khu nghỉ dưỡng Amanoi tại Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải) được Tạp chí Forbes Life (Mỹ) bình chọn nằm trong “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới”. Các loại hình du lịch tại Ninh Thuận như: du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch khám phá thiên nhiên, thăm quan trải nghiệm tại các làng nghề dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc, vườn trái cây, trang trại nông nghiệp công nghệ cao… đã được du khách đặc biệt quan tâm, nhất là khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Ninh Thuận tiếp tục hình thành và phát triển mạnh các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như: Chợ đêm du lịch, hệ thống siêu thị, các loại hình thể thao vui chơi giải trí như: lướt ván diều, mô tô nước, ca nô, đua xe trên cát, xe điện bánh hơi chở khách thăm quan các tuyến phố... đã góp phần đưa du lịch Ninh Thuận “cất cánh”, ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế…

Trong những năm tới tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng đi vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính như: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, du lịch cộng đồng. Nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững... Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước; đưa du lịch Ninh Thuận vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2025.