Mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng cao tầng

Dạo một vòng trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, chúng tôi nhẩm tính có không dưới 100 công trình đang được thi công xây dựng, trong đó có khoảng vài chục công trình từ 3 tầng trở lên. Điều đáng nói là hầu hết các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) tại các công trình này hầu như chưa được cả người lao động và người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc.

Theo quy định, đối với những công trình xây dựng cao tầng phải được trang bị dàn giáo với đầy đủ các thiết bị như thang, chòi nâng, sàn treo, lưới bảo hộ… Công nhân làm việc trên cao phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có giấy chứng nhận đã học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về ATLĐ do giám đốc đơn vị xác nhận, được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ bảo hộ…Thâm nhập vào một công trình xây dựng cao tầng tại xã Văn Hải (PR-TC), chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy hai thợ sơn làm việc bên ngoài bức tường tầng thứ 8 chỉ đứng chênh vênh trên tấm ván, 2 đầu được bắc qua thanh sắt dàn giáo! Trong khi đó, người đội trưởng giám sát công trình vừa cầm bộ dây bảo hiểm lấy từ một góc nhà ra, vừa cho biết: Lúc đầu, chúng tôi nhắc nhở anh em công nhân mang bảo hộ lao động, dây an toàn khi làm việc trên cao nhưng anh em không chịu, cho rằng mặc vào nóng nảy. Dây an toàn đều có sẵn nhưng anh em không chịu mang, nhắc hoài cũng thấy chán nên chúng tôi cũng không có ý kiến gì!

Làm việc trong môi trường bụi bặm nhưng nhiều công nhân không được trang bị
phương tiện bảo hộ lao động.

Tiếp tục đến một công trình khách sạn đang xây dựng trên đường Yên Ninh. Trên tầng thứ 3, một thanh niên đang kéo từng xô hồ từ dưới đất lên, mồ hôi nhễ nhại. Bên trong, 2 công nhân thợ sơn đang chà láng bức tường, bụi bay mù mịt. Ngoài việc không được trang bị bảo hộ lao động, những công nhân này chỉ mang chiếc khẩu trang mỏng, không có kính bảo vệ. Với khuôn mặt đầy bụi vôi, hai mắt đỏ ngầu vì bụi bẩn, anh Lê Văn Hậu, một trong số 2 công nhân cho biết: Chúng tôi vào làm ở đây mấy tháng nay. Mỗi ngày được trả công 120 ngàn đồng, ăn uống tự lo. Từ ngày làm ở đây chúng tôi không hề nghe ông chủ có ý kiến gì về việc trang bị bảo hộ cá nhân. Mặc dù mang khẩu trang nhưng bụi vẫn bay vào. Hằng ngày hít phải bụi vôi nên tối về bị ho và khó thở. Biết là rất nguy hiểm nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh nên chúng tôi không thể bỏ nghề được”. Còn em Lê Văn Lâm, làm phụ hồ cho biết, năm nay 16 tuổi, đi làm thợ hồ mấy năm nay. Người thuê em làm công cũng chẳng quan tâm em bao nhiêu tuổi ….

Sự rủi ro, nguy hiểm trên các công trình xây dựng cao tầng chắc chắn mọi người đều biết. Tuy nhiên, qua những cuộc tiếp xúc trên cho thấy người sử dụng lao động và người lao động chưa có ý thức về thực hiện ATLĐ. Một thực trạng diễn ra phổ biến là đa phần các doanh nghiệp sau khi nhận thầu công trình thường hợp đồng lại với các cai thầu nhỏ. Những người này lại thuê lao động tự do bên ngoài, không có hợp đồng lao động nên gây khó khăn cho việc quản lý số lượng lao động cũng như công tác bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Để công tác ATLĐ tại các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng cao tầng được thực hiện tốt, các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tăng cường kiểm tra tại công trình, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động.