Tiếp theo kỳ trước:

Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

3. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

3.1. Giai đoạn 1954 – 1960: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chính trị ở miền Nam, “Đồng khởi” làm thất bại một hình thức thống trị điển hình bằng chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ.

Sau năm 1954, miền Bắc hừng hực khí thế cách mạng bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế, đã tạo ra những chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, là chỗ dựa, hậu phương lớn của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ở miền Nam, Mỹ ra sức xây dựng quân Ngụy, chỉ huy chính quyền Diệm đàn áp đẫm máu những người yêu nước ở miền Nam, hô hào “Bắc tiến”, “lấp sông Bến Hải”; mở các chiến dịch lớn đánh vào Nhân dân, trả thù những người kháng chiến, thẳng tay thi hành cái gọi là “quốc sách tố cộng, diệt cộng”, “Luật 10/59”…

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II vào tháng 1-1959) xác định con đường, mục tiêu, phương pháp cách mạng ở miền Nam, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Bắc và Nam, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 28-8-1959 Nhân dân nhiều xã của huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17-1-1960, Nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên.

Từ phong trào Đồng khởi, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành, Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập. Miền Bắc, mở đường bộ 559, đường biển 759 chi viện cho miền Nam. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam được phát động một cách độc đáo, khéo léo, phù hợp với thời cơ lịch sử. Vì vậy đế quốc Mỹ vội vàng thay đổi chiến lược, chuyển sang dùng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

3.2. Giai đoạn 1961 – 1965: Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc

Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”: dùng quân đội ngụy là công cụ tiến hành chiến tranh, với tiền của, vũ khí và sự chỉ huy của Mỹ, càn quét, dồn dân, theo chiến thuật “tát nước bắt cá”.

Với kinh nghiệm đấu tranh, Nhân dân miền Nam đã sáng tạo ra hình thức tiến công “Hai chân (quân sự, chính trị), ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận), ba vùng (vùng núi, đồng bằng, thành thị)” đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Sau những thất bại liên tiếp của ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam, nhằm cứu vãn cho những gì đã mất, Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc bộ”. Ngày 5-8-1964, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân đánh ồ ạt các khu vực sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh); các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái. Ngày 5/8 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân.

3.3. Giữa 1965 đến 1968: Cả nước có chiến tranh, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, mở ra giai đoạn “Vừa đánh vừa đàm”

Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”: sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động chủ yếu để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; quân ngụy làm lực lượng chiếm đóng, bình định, kìm kẹp Nhân dân hòng đánh bại cách mạng miền Nam. Từ giữa 1965-1967, chúng đưa vào miền Nam hơn 500.000 quân Mỹ và quân đội một số nước chư hầu, đồng thời sử dụng không quân và hải quân mở chiến dịch “Sấm rền”, đánh phá ác liệt nhằm “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, ngăn chi viện từ miền Bắc và quốc tế vào miền Nam.

Quân dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đánh trả không quân, hải quân địch, giành nhiều thắng lợi. Trong 4 năm (1964-1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy 143 tàu chiến.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (3-1965), lần thứ 12 (12-1965) khóa III, Trung ương Đảng hạ quyết tâm động viên lực lượng cả nước kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi lịch sử, Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, miền Bắc đã phát động nhiều phong trào thi đua ái quốc, tạo nên ý chí mới, sức mạnh mới để toàn dân đánh giặc. Trên chiến trường miền Nam, lực lượng vũ trang đã tổ chức các đợt tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ-Ngụy; mở đầu là chiến thắng Núi Thành, Quảng Nam (26-5-1965), tiếp đó là các chiến công vang dội đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966) đã đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản.

Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 như “Một đòn sét đánh” đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Thắng lợi của cuộc Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm cho ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ lung lay nghiêm trọng, buộc Mỹ phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; ta có điều kiện mở ra mặt trận tiến công mới về ngoại giao “vừa đánh, vừa đàm”.

3.4. Từ 1969 đến cuối 1973: Đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ

Thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Dùng người Việt giết người Việt”, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Quân và dân ta đã phối hợp với Lào, Campuchia, đánh địch trên khắp chiến trường, đập tan quá trình tiến công, phản kích bằng các cuộc hành quân lớn của địch.

Đầu năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và chính quyền Thiệu vào thế yếu trầm trọng hơn. Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, bắn rơi hơn 600 máy bay, bắn chìm và bắn cháy gần 100 tàu chiến.

Thắng lợi to lớn của quân và dân trên hai miền Nam-Bắc, buộc Mỹ phải ký kết “Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (27-1-1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam; quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút” và tiến tới “đánh cho ngụy nhào”.

3.5. Từ cuối 1973 đến 30-4-1975: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất Tổ quốc

Hiệp định Pari được ký kết, nhưng với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta; chúng tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, điều khiển chính quyền Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm vùng giải phóng.

Nắm được âm mưu của địch, tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975, Đảng ta đã đánh giá so sánh lực lượng và đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam. Để giành thắng lợi quyết định, chúng ta đã phải tập trung xây dựng các đơn vị chủ lực Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232, đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội ta cả về quy mô tổ chức, trang bị, vũ khí, kỹ thuật, có đủ khả năng mở các chiến dịch với quy mô lớn trên các hướng chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng miền Nam.

Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 14-4-1975 Bộ Chính trị ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn-Gia Định và hoàn toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị chủ lực của quân đội ta đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc, tiến về giải phóng Sài Gòn. Bằng sức mạnh tiến công mạnh mẽ của 5 cánh quân chủ lực, 17 giờ 00 ngày 26-4, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng chiến dịch đều nổ súng tiến công. Ngày 29-4 ta tiến hành tổng tiến công trên toàn mặt trận, quân địch hoang mang cao độ, tan rã, rút chạy đầu hàng từng bộ phận, tướng tá ngụy tranh nhau di tản, chỉ huy rối loạn; quần chúng nhân dân ở từng hướng được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang nổi dậy giành chính quyền, truy quét tàn quân địch.

Ngày 30-4, các binh đoàn đột kích thọc sâu kết hợp với lực lượng bên trong nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành; Binh đoàn hỗn hợp Quân đoàn 2 chiếm “Dinh độc lập” lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ ngụy quyền Trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trước tòa nhà chính Dinh độc lập; chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Lời chúc mừng năm mới của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã trở thành hiện thực.

3.6. Đảng bộ, dân và quân Ninh Thuận cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong điều kiện đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngay những ngày đầu đã tìm cách phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, tăng cường đàn áp, khủng bố lực lượng cách mạng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng được củng cố và phát triển. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, các đội tự vệ, du kích và bộ đội địa phương lần lượt ra đời. Có vũ trang hỗ trợ, phong trào cách mạng có bước phát triển, nổi rõ nhất là từ tháng 2 đến tháng 4-1959, quân dân Bác Ái đã đồng loạt nổi dậy phá khu tập trung của địch, tiến tới giải phóng huyện Bác Ái vào ngày 30/8/1960, trở thành địa phương đầu tiên được giải phóng ở miền Nam. Từ đây lực lượng cách mạng địa phương phát triển nhanh, mạnh về mọi mặt. Khi đế quốc Mỹ tiến hành các chiến lược chiến tranh: chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1972), với ý chí kiên cường và truyền thống đấu tranh bất khuất, dân và quân Ninh Thuận đã đồng loạt nổi dậy tấn công tiêu diệt địch, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Trong những năm 1973 - 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta ở miền Nam diễn ra sôi động; ta tiếp tục thắng, địch liên tiếp thất bại, cục diện chiến trường theo chiều hướng có lợi cho ta. Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Khu uỷ và Quân khu 6, Tỉnh uỷ Ninh Thuận đã lãnh đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích, Nhân dân trong tỉnh phối hợp với các lực lượng chủ lực của Trung ương và Quân khu chi viện, vùng lên tấn công và nổi dậy đánh đổ chế độ Mỹ-Ngụy, giải phóng tỉnh nhà. Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của quân ta bắt đầu bắn vào điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn. Đến sáng ngày 16-4-1975, lệnh tấn công được phát ra, lực lượng ta chia làm 3 mũi chính: Mũi thứ nhất có xe tăng dẫn đầu tiến theo đường Quốc lộ 1, sau khi đánh chiếm Phan Rang sẽ tiến lên sân bay Thành Sơn từ hướng Nam; mũi thứ 2 từ hướng Tây Bắc đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn; mũi thứ 3 đánh chiếm Cảng Ninh Chữ, không cho địch tháo chạy ra biển. Đến 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy