Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời và cùng toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công

Trong Chính cương, Sách lược vắn tắt, Luận cương chính trị tháng 10-1930, Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra Quân đội công nông để giành và giữ chính quyền. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội vệ đỏ (Xích đỏ) trong Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng (1930-1931). Những năm 1940-1945, các đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ (Trung Kỳ)… được hình thành. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Nguyễn Ái quốc đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động và lập đội quân giải phóng, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ và được chia thành 3 tiểu đội.

Thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng ”. Trong hai ngày 25 và 26-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến công đồn Phai Khắt, Nà Ngần đều giành thắng lợi, mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng kẻ thù xâm lược của Quân đội ta. Tháng 4-1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước thành Việt Nam giải phóng quân.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7-5-1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Năm 1946 được đổi thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại Ninh Thuận, ngày 21-8-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng trong ngày hôm đó, chính quyền cấp tỉnh về tay Nhân dân. Ngay từ ngày 23-8-1945 đơn vị giải phóng quân đầu tiên được thành lập tại Tháp Chàm do đồng chí Trần Kỷ làm Chỉ huy trưởng, Lê Bút ủy viên quân sự làm chính trị viên. Sau đó đơn vị giải phóng quân thứ hai được thành lập tại Phan Rang, có 4 phân đội. Do yêu cầu nhiệm vụ và tình hình chiến trường, ngày 10/11/1945, Hội nghị liên tịch tại làng Bình An (Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận) đã thống nhất các lực lượng vũ trang các tỉnh cực Nam Trung bộ, tổ chức thành hai chi đội: Chi đội I phụ trách tỉnh Bình Thuận, Chi đội II (có hai đại đội) phụ trách tỉnh Ninh Thuận và Lâm Viên, do đồng chí Cao Thanh Trà làm chi đội trưởng. Thời kỳ này lực lượng vũ trang ở tỉnh ta phát triển mạnh, đến cuối năm 1945 đã lên tới 30 phân đội (trung đội) phạm vi đảm nhiệm rộng, hoạt động tác chiến mang lại một số kết quả, điển hình như ngày 2-10-1945, tại Cầu Tân Mỹ ta diệt 12/13 tên lính Nhật. Tháng 7-1946, theo chủ trương của Khu 6, Trung đoàn 81 được thành lập thay cho chi đội 2. Khi lực lượng vũ trang được thành lập, chính quyền cách mạng được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở, phong trào cách mạng ở Ninh Thuận đã tập hợp, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

2. Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới vừa ra đời đã phải đứng trước một tình thế phức tạp và chồng chất khó khăn, cùng một lúc chúng ta phải đối phó với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng vào giải giáp phát xít Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra; ở miền Nam, thực dân Pháp được quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta nhất tề đứng dậy theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã làm tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài. Ngày 7-10-1947, Pháp huy động hơn 12.000 quân có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Quân ta đã phản công tiêu diệt địch, làm nên thắng lợi Chiến dịch Việt Bắc. Đây là thắng lợi quy mô lớn đầu tiên của quân ta, phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.

Tháng 6-1950, ta mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng từ 1949-1952, Quân đội ta đã thành lập được nhiều đại đoàn chủ lực như: Đại đoàn 304, 308, 316, 325 và Đại đoàn công pháo 351.

Tháng 9-1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, với 5 đòn tiến công chiến lược, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn và làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va, buộc chúng phải căng ra đối phó ở khắp nơi; ta đã hoàn toàn nắm quyền chủ động, kế hoạch Na-va bắt đầu bị phá sản. Trước thời cơ thuận lợi, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ; Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng.

Chiến thắng Điện Biên phủ cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác đã góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Na-va, đồng thời có ý nghĩa quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nó trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, buộc Pháp phải công nhận độc lập dân tộc, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; mở ra cho cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Vào thời điểm này, đáp lời kêu gọi kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Đảng và Bác Hồ, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng dậy “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Tại Ninh Thuận, từ ngày 19-12-1946 đến giữa năm 1948 phong trào du kích chiến tranh trong tỉnh phát triển mạnh, ta liên tục tấn công địch (đánh 94 trận), tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực, phá huỷ và thu nhiều chiến lợi phẩm của địch. Đến tháng 10-1950, Tỉnh uỷ mở Hội nghị đánh giá tình hình và bàn về nhiệm vụ đợt hoạt động Đông Xuân 1950-1951, tỉnh tiếp tục mở nhiều chiến dịch tấn công địch. Trong những năm 1952- 1953, các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần II đã từng bước được thực hiện, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mọi mặt. Từ tháng 4 đến tháng 6-1954, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính của Liên khu, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ, quân dân trong tỉnh đánh địch 35 trận, diệt 8 cứ điểm, 9 tháp canh, bức rút 26 cứ điểm và tháp canh, diệt hàng trăm tên địch..., tổng cộng có hơn 1.000 tên bị loại, ta thu hàng trăm súng các loại, giải tán 51 ban hội tề. Từ tháng 12-1951 đến tháng 5-1954 nhờ chỉnh đốn lực lượng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ căn cứ, đẩy mạnh tấn công địch cả ở đồng bằng và thị xã, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 trong cả nước, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 20-7-1954.