Chật vật với giá cả tăng cao

“Ăn theo” giá vàng, ngoại tệ, xăng dầu, điện..., giá thực phẩm tại tỉnh ta trong thời gian gần đây cũng đang nhích dần lên làm người tiêu dùng, nhất người làm công ăn lương, lao động nghèo chật vật trong tính toán chi tiêu.

Mỗi khi đi chợ, bác Lê Thị Liễu, một cán bộ nghỉ hưu, ở khu phố 2, phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm lúng túng không biết mua gì cho bữa cơm gia đình. Lương hưu chỉ có hạn mà giá cả tăng vù vù, mới cuối tuần trước bác còn mua thịt heo với giá 70.000 đồng/kg, nay đã lên 75.000 đồng/kg, thịt bò cũng ở giá rất cao 160.000 đồng/kg. Rau, củ, quả lấy đà tăng theo. “Giá cả tăng thế này rất khó cho người tiêu dùng, nhất là những người nghỉ hưu như chúng tôi. Giờ đi chợ phải tính toán sao cho mua thức ăn vừa đủ cho cả nhà trong ngày”, bác Liễu than.

Chị Trần Thị Bé, bán thịt ở chợ Phước Mỹ cho biết: “Do thức ăn chăn nuôi tăng nên giá heo tăng theo, mặt khác sau tết thiếu nguồn heo thịt nên giá càng đẩy lên cao. Giá heo hơi ngoài thị trường hiện đã lên đến trên 45 ngàn đồng/kg, vậy mà mấy ngày nay cũng không đủ cầu”.

Người tiêu dùng suy tính khi mua hàng hóa.

Qua tìm hiểu tại các chợ: Phan Rang, Thanh Sơn, hiện giá cả các loại thịt tươi sống cũng đều đã tăng thêm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Thịt heo đùi loại 1 tăng từ 70 ngàn lên 75 ngàn/kg, sườn cốc-lết tăng từ 70 ngàn lên 80 ngàn đồng/kg. Xương cũng tăng từ 60.000 lên 70.000 đồng/kg... Gà ta sống trước Tết có giá 80 ngàn đồng nay tăng lên 90 – 100 ngàn đồng/kg. Cá biển, loại lớn đều có giá trên 100.000đồng/kg; tôm 120.000 – 140.000 đồng/kg... Chị Nguyễn Thị Hương bán cá ở chợ Thanh Sơn cho biết: “Do giá xăng dầu tăng, làm tăng chi phí đánh bắt. Từ Tết đến giờ thời tiết bất thường, biển động ghe thuyền đi đánh bắt gặp khó khăn nên giá hải sản tăng lên”.

Một cán bộ Sở Công Thương cho biết, hiện nguồn cung hàng hoá tương đối đầy đủ, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hoá bắt đầu có xu hướng tăng: lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, phân bón…. Nguyên nhân là do giá nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng làm ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, một số mặt hàng sau thời gian giữ giá để thực hiện chính sách bình ổn đã tăng, kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng.

Như vậy sau khi giá xăng dầu và giá điện tăng thì nhiều mặt hàng cũng tăng theo làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là những gia đình có thu nhập thấp. Gia đình chị Thái Thị Phượng, ở phường Mỹ Hương, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, hai vợ chồng đều là cán bộ, công chức, lương trên 2 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập như vậy trước đây, cứ dịp cuối tuần chị lại làm một số món ăn tươi để “tẩm bổ” cho cả nhà, tạo không khí vui vẻ ấm cúng, nhưng với đà tăng giá như hiện nay, gia đình chị buộc phải bỏ “nếp” sinh hoạt này. Theo chị, với lương của hai vợ chồng tuy không cao nhưng còn xoay xở được, chớ với lương của công nhân lao động thì không biết chi tiêu thế nào trước sức ép về giá hiện nay.

Giá cả leo thang không chỉ gây khó khăn cho người mua mà cả người bán cũng “kêu trời”. Tới chợ Phước Mỹ vào 3 giờ chiều, chúng tôi thấy các quầy hàng thịt, cá vẫn còn nhiều, thông thường những mặt hàng này ở chợ bán rất chạy trong buổi sáng. Các tiểu thương ở đây cho biết, giá cả tăng nên người tiêu dùng cũng hạn chế trong chi tiêu, chỉ mua những thứ thật cần thiết, vì vậy hàng bán trong thời gian này giảm nhiều so với tháng trước.