Nước dưới đất ở các đô thị: Nguyên nhân suy thoái và những vấn đề bảo vệ

Sự suy giảm trữ lượng nước dưới đất thông qua sự hạ thấp mực nước, sự cạn kiệt các nguồn nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các đô thị.

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển, dẫn đến nhu cầu dùng nước ngày càng tăng. Theo dự báo của nhiều nhà nghiên cứu thì tổng nhu cầu sử dụng nước cấp cho các đô thị đến năm 2020 lên đến khoảng 20.000.000 m3/ngày, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, như thành phố Hà Nội là 1.400.000 m3/ngày; thành phố Hồ Chí Minh lên đến 4.000.000 m3/ngày; còn các thành phố khác từ 100.000 m3/ngày - 800.000 m3/ngày, các thị trấn, thị tứ nhu cầu cấp nước cũng tăng lên nhiều lần so với hiện tại.

Nước dưới đất ở các đô thị: suy thoái cả chất và lượng

Nhìn chung, việc khai thác nước dưới đất ở các đô thị nước ta đã và đang có những biểu hiện suy thoái cả chất và lượng khá rõ, thậm chí một số đô thị ở mức báo động. Tùy vị trí, đặc thù và mức độ khai thác nước dưới đất khác nhau mà mức độ suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị khác nhau, nhưng tổng quát chung biểu hiện qua các hình thức sau :

Sự suy giảm trữ lượng nước dưới đất thông qua sự hạ thấp mực nước, sự cạn kiệt các nguồn nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các đô thị.

Sự suy giảm chất lượng nước thông qua sự nhiễm bẩn, sự xâm nhập mặn và sự xáo trộn mực nước. Tình trạng nhiễm bẩn xảy ra ở phần lớn các đô thị phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nơi tầng chứa nước nằm nông và trên nó có lớp phủ mỏng có tính thấm khá và những nơi liên quan tới cấu trúc địa chất, thành phần đất đá có chứa các chất có khả năng gây ô nhiễm tấng chứa nước trong quá trình khai thác sử dụng. Tình trạng nhiễm mặn chủ yếu xảy ra và có nguy cơ đối với các đô thị vùng đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Cửu Long. Còn tình trạng xáo trộn nước xảy ra chủ yếu ở các đô thị thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Sụt lún mặt đất diễn ra tập trung ở những đô thị khai thác nước lớn làm hạ thấp mực nước mạnh, nơi đất yếu hoặc vùng Karst hóa, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn…

Nguyên nhân suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị

* Tốc độ gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu dùng nước tăng

Do kinh tế phát triển, đời sống của người dân tăng nhanh, nhất là ở các đô thị lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… ) dẫn đến nhu cầu dùng nước ngày càng tăng. Mặt khác, trước đây do đời sống thấp nên nhu cầu sử dụng nước cũng không cao, mỗi người, mỗi ngày chỉ sử dụng khoảng 70 - 80 lít nước. Ngày nay, mỗi người mỗi ngày sử dụng không ít hơn 120 lít nước, những hộ gia đình khá giả có thể sử dụng tới 200 - 250 lít nước mỗi ngày.

Mặt khác cũng do đời sống tăng cao, nhu cầu sử dụng nước cho các dịch vụ công cộng (nước phục vụ cho tưới cây, sinh hoạt văn hóa, rửa đường, phòng cháy, chữa cháy…) của các thành phố cũng tăng lên đáng kể. Trong khi đó, năng lực sản xuất nước sạch của các Công ty kinh doanh nước sạch lại bị hạn chế nhiều, nên không đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng nước.

Tình trạng cung không đủ cầu đó dẫn đến các cơ sở phải tự xoay sở tìm nguồn nước để đáp ứng yêu cầu sử dụng của mình. Do vậy, việc khoan khai thác nước dưới đất ở các đô thị đã phát triển ồ ạt, khó quản lý, nhất là các lỗ khoan nhỏ lẻ. Ví dụ, tại TP. Hà Nội, vào những năm 1998 - 1999 cả thành phố có khoảng 120.000 lỗ khoan đường kính nhỏ kiểu UNICEF, thì đến 2007 đã lến đến hơn 200.000 lỗ khoan. Các lỗ khoan này ngoài việc đóng góp sự tăng chiều sâu hạ thấp mực nước còn do kỹ thuật khoan không đảm bảo gây thẩm thấu nước mặt, nước thải từ mặt đất xuống gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

* Công tác điều tra cơ bản các nguồn nước nói chung và nước dưới đất nói riêng không theo kịp nhu cầu khai thác

Theo số liệu thống kê, hiện nay, ở nước ta mới chỉ có khoảng 40% diện tích cả nước được lập bản đồ ĐCTV (Địa chất thủy văn) tỷ lệ 1/200.000; một vài nơi có bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1/50.000. Do vậy, khi các đô thị được mở rộng thì thiếu các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quy hoạch. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến suy thoái tài nguyên nước dưới đất.

* Tốc độ đô thị hóa nhanh đã góp phần không nhỏ dẫn đến tình trạng suy thoái nguồn nước dưới đất

Hiện tại, hầu hết các đô thị nước ta đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, nên hàng ngày có tới hàng nghìn lỗ khoan khảo sát Địa chất công trình - Địa kỹ thuật; khoan hàng trăm lỗ khoan làm cọc nhồi, gia cố nền móng; đào hàng vạn mét khối đất đá để xây dựng các công trình; San lấp hàng trăm mét vuông ao hồ; trải hàng vạn mét vuông bê tông lên mặt đất. Các hoạt động này không chỉ làm thay đổi môi trường thấm, còn làm giảm lượng nước ngấm từ bề mặt đất xuống cung cấp cho các tầng chứa nước, thu hẹp miền bổ cập cho nước dưới đất. Điều này dẫn đến tình trạng suy giảm lưu lượng khai thác tại các giếng khoan, tăng độ hạ thấp mực nước, đồng thời còn tạo điều kiện cho nước bẩn từ bề mặt đất dễ dàng xâm nhập vào tầng chứa nước; thay đổi môi trường tồn tại của nước dưới đất làm biến đổi thành phần vật chất trong nước dẫn đến nước dưới đất bị ô nhiễm.

Tại Hà Nội, các kết quả nghiên cứu ĐCTV cho thấy nước sông Hồng đóng góp từ 60% đến 80% lượng nước khai thác từ các bãi giếng bố trí ven sông. Tuy nhiên, nếu tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh hai bên ven bờ sông Hồng, thì các hoạt động xây dựng ở đó không chỉ làm ô nhiễm nước đang khai thác tại các bãi giếng mà còn tạo nên bức tường ngăn chặn khả năng cung cấp nước của sông Hồng cho nước dưới đất. Hiện tượng này sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm lưu lượng và mực nước trong các giếng khoan.

Tốc độ đô thị hóa gia tăng cũng đồng nghĩa với sự gia tăng rác thải, nước thải. Nếu không xử lý tốt thì đây chính là nguồn gây ô nhiễm các nguồn nước nói chung và nước dưới đất nói riêng. Thực tế, trong vài chục năm gần đây, hầu hết các nguồn nước mặt tại các đô thị đã bị nhiễm bẩn ở các mức độ khác nhau. Điều này đã có ảnh hưởng nhất định đến nguồn nước dưới đất. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa tăng dẫn đến tình trạng thiếu đất để quy hoạch các đới phòng hộ vệ sinh, nhiều nhà máy nước đới phòng hộ vệ sinh đã bị lấn chiếm hoặc bị xâm phạm bởi các công trình xả thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng tài nguyên nước dưới đất.

* Công tác quản lý tài nguyên môi trường nói chung, môi trường nước, nước dưới đất nói riêng còn chưa theo kịp với sự phát triển

Về hành chính, chúng ta đã có các Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường…đó là những cố gắng vượt bậc của Nhà nước và của cả cộng đồng. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống còn rất chậm. Còn nhiều người dân chưa biết Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ môi trường chứ chưa nói là chấp hành triệt để việc thực hiện chúng. Thêm vào đó đi kèm với các luật là các văn bản hướng dẫn thực hiện, các quy trình quy phạm dưới Luật còn thiếu, thậm chí chồng chéo nên Luật khó đi vào cuộc sống, nhất là các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất (như thiếu các quy định, hướng dẫn lồng ghép quy hoạch phát triển đô thị với quy hoạch mạng lưới các lỗ khoan khai thác; các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường cho các công trình khai thác nước dưới đất…).

* Nhận thức về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước nói chung, tài nguyên nước dưới đất nói riêng của các cán bộ, các cấp chính quyền và cộng đồng còn thấp.

Qua thống kê cho thấy, hầu hết các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch đô thị, qui hoạch các công trình cụ thể, như các bãi chôn lấp chất thải, các khu công nghiệp… chưa có sự lồng ghép quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có nước dưới đất. Do chưa có những nhận thức đầy đủ về vai trò của nước dưới đất trong phát triển kinh tế xã hội, cho nên công tác điều tra, đánh giá và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong những năm qua chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hiện nay do nhận thức của cộng đồng chưa cao, nên việc xả thải chất thải ra môi trường không đúng nơi quy định, việc xử lý chất thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn tạo nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất; việc tiết kiệm tài nguyên nước chưa tạo thành tiềm thức trong mỗi người dân.

Những giải pháp khắc phục

Để bảo vệ tốt nguồn nước dưới đất tại các đô thị cần thúc đẩy thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các qui định bảo vệ, duy trì các nguồn bổ cập và khai thác nước dưới đất ở các đô thị và các Quy định và hướng dẫn việc lồng ghép quy hoạch phát triển đô thị với bảo vệ tài nguyên nước dưới đất;

Hai là, kiểm kê, đánh giá đầy đủ tiềm năng nguồn nước dưới đất ở các đô thị và vùng phụ cận, tiến hành quy hoạch khai thác, cân đối sử dụng và quản lý tổng hợp các nguồn nước;

Ba là, đánh giá khả năng tự bảo vệ, xác định các nguy cơ gây suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị;

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản về bảo vệ nước dưới đất, trước mắt tập trung áp dụng cho các loại hình đô thị đặc trưng cho vùng ven biển và vùng phát triển công nghiệp;

Năm là, điều tra, khảo sát xác định các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất ở các đô thị; Đề xuất và thực hiện các giải pháp ngăn chặn, xử lý;

Sáu là, tổ chức đánh giá tác động môi trường chiến lược tổng thể tất cả các phương án khai thác sử dụng nước dưới đất tại các đô thị và vùng phụ cận mang tính liên vùng;

Bẩy là, điều tra, nghiên cứu thiết lập các phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các đô thị đang có nguy cơ cạn kiệt các nguồn nước; khoanh vùng bảo vệ và tạo miền bổ cập cho nước dưới đất;

Tám là, xây dựng và tăng cường hệ thống quan trắc tài nguyên nước dưới đất tại các đô thị và vùng phụ cận;

Chín là, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Nguồn Cục Quản lý tài nguyên nước