Tấm lòng hào hiệp từ một gia đình nghèo

“Mình khổ mà thấy người khác còn khổ hơn thì làm sao khỏi chạnh lòng được”. Đó là suy nghĩ thốt ra từ bà Lê Thị Dung (ảnh), cư ngụ tại khu phố 8, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Câu chuyện từ tấm lòng hào hiệp, nhân ái, sẵn sàng san sẻ số tiền hỗ trợ xây nhà của hộ gia đình bà cho người khác đã gây xúc động lớn cho các cán bộ làm công tác Mặt trận từ thành phố đến cơ sở.

Trong một dịp trao đổi về Quỹ “Vì người nghèo”, đồng chí Trần Lục, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã kể tôi nghe câu chuyện trên, khi đề cập tới các gương điển hình vươn lên của hộ nghèo. Có thể khái quát như sau: Bà Lê Thị Dung được Quỹ “Vì người nghèo” thành phố hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết, nhưng nhờ được con cháu đóng góp giúp đỡ, bà tự thấy mình đủ tiền xây nhà nên muốn nhường lại cho đối tượng khó khăn khác. Tuy nhiên không phải chỉ bấy nhiêu, vừa qua tiếp xúc với bà Lê Thị Dung, chúng tôi càng cảm phục bà hơn khi biết thêm những gì còn ẩn đằng sau hành động nghĩa tình trên. Năm nay 79 tuổi, sức khỏe bà không tốt lắm khi mang trên người bệnh thấp khớp và bị tai biến mạch máu não nhẹ, đáng nói là hoàn cảnh kinh tế gia đình bà cũng chưa phải đã bớt khó khăn. Đồng chí Hồ Sĩ Quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đông Hải cho biết: Đây là ngôi nhà lụp xụp cuối cùng trong khu phố được xóa và thay bằng nhà xây mới từ nỗ lực tự vươn lên của gia đình, không đòi hỏi gì ở chính sách nhà nước.

Theo đồng chí Quyết, ngày ấy trên phần đất này chỉ là ngôi nhà vách đất có diện tích cỡ 18 m2, mái tôn dột nát, thấp lè tè, xung quanh phải chằng chống cây cho khỏi ngã. Còn bây giờ, đã thay bằng ngôi nhà xây khang trang có diện tích khoảng trên 100 m2, tính luôn sân là 124 m2, kinh phí khoảng 300 triệu đồng (chưa tính công cán, một số vật liệu do con cháu giúp cho). Để có tiền xây ngôi nhà này, bên cạnh đóng góp của con cháu, người thân, con trai bà là anh Trần Hữu Cảnh (40 tuổi) còn vay thêm từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo và mượn thêm của anh chị em trong dòng họ. Chị Trần Thị Như Tâm (43 tuổi), con gái bà Dung, kể : Lúc nhận được tiền hỗ trợ xây nhà mừng muốn khóc, nhưng khi con cháu của mẹ tôi chung tay đóng góp, giúp đỡ, thấy số tiền đã lớn bà liền nhường lại cho gia đình nghèo hơn. Được nhường là hộ gia đình anh Phan Thanh Hùng (37 tuổi, khu phố 2) bấy giờ đang trong hoàn cảnh thương tâm, ở nhà tạm bợ lụp xụp mà có chị lại vừa mất. Không chỉ nhường phần tiền 40 triệu đồng, con cháu bà Dung còn đóng góp hỗ trợ cho anh cất ngôi nhà diện tích khoảng 32 m2 (kinh phí 80 triệu đồng, chưa kể công nhà).

Nghe tin nhà anh Hùng vừa hoàn thành, bà Dung nói: Nợ thì từ từ trả rồi cũng hết mà, cái vui hơn cả là nhìn thấy gia đình thằng Hùng giờ có nhà cửa đàng hoàng. Theo chị Như Tâm, chị vẫn nhớ rõ ngày mà chị cùng mẹ cầm số tiền trả lại phường và đề nghị chuyển cho hộ anh Hùng sử dụng, để chắc chắn, gia đình chị trực tiếp đi cùng Trưởng khu phố đến trao số tiền trên tận tay anh. Điều gây ngạc nhiên cho chúng tôi là thực tế cuộc sống mẹ con bà Dung vẫn còn rất vất vả. Bản thân bà già yếu, không lao động được phải nhờ con cháu nuôi, các con bà đều làm thuê kiếm sống. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết anh Trần Hữu Cảnh, người con trai ở chung nhà cùng bà, do công việc thường phải đi làm xa tận tỉnh Lâm Đồng, thỉnh thoảng mới về nhà. Chị Trần Thị Như Tâm (khu phố 6) làm thuê cho các vựa cá ở cảng với thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, còn chồng đi “bạn” các tàu đánh bắt cá cũng có thu nhập tương tự. Tuy còn phải nuôi 3 con ăn học, nhưng vợ chồng chị tự lực vươn lên cất được ngôi nhà nhỏ, những khi rảnh chị đến chăm sóc mẹ thay em trai.

Tấm lòng hào hiệp của bà Lê Thị Dung trước hết cho thấy đã thể hiện lòng tự trọng và sự đồng cảm, thương người. Với hành động san sẻ kiểu “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của gia đình bà, vốn xuýt xoát ngưỡng cận nghèo, đã trở thành tấm gương đáng trân trọng và cần được lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhằm khuyến khích các hộ nghèo nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bằng khả năng của mình.