Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn cho vay

Nhờ chủ động trong khai thác, huy động các nguồn vốn, đến 30-9, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đạt 2.133,5 tỷ đồng, tăng 133,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và tăng 117,8 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, nguồn vốn Trung ương cấp trên 1.875 tỷ đồng, tăng 69,4 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) 215 tỷ đồng, tăng 73 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tăng 43 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương 45 tỷ đồng, tăng 12,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,9 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 115% kế hoạch giao.

Chị Katơ Thị Lét ở thôn Đá Mài Dưới, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi dê.

Từ nguồn vốn trên, trong 9 tháng năm 2019, NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 14.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay, với tổng số tiền 480 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 15 chương trình đạt 2.129 tỷ đồng, tăng 135 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước, tăng 116 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 5,76%) so với cuối năm 2018, đạt 98,9% kế hoạch. Doanh số cho vay trong 9 tháng năm 2019 tập trung chủ yếu vào một số chương trình như: Cho vay hộ mới thoát nghèo 124 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 110 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 80 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo 57 tỷ đồng; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 34 tỷ đồng; cho vay vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 21,5 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 19 tỷ đồng và cho vay chương trình học sinh sinh viên 16 tỷ đồng...

Ngoài ra, trong 9 tháng, NHCSXH tỉnh còn triển khai việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với 78 hộ nghèo/5,1 tỷ đồng, gồm: Ninh Phước 8 hộ/536 triệu đồng; Ninh Hải 1/60 triệu đồng; Ninh Sơn 30 hộ/1,9 tỷ đồng; Thuận Bắc 2 hộ/150 triệu đồng; Thuận Nam 3 hộ/269 triệu đồng; Bác Ái 34 hộ/2,2 tỷ đồng. Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể nhận ủy thác với NHCSXH tiếp tục được tăng cường, nhất là trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và hoạt động tại các điểm giao dịch xã. Đến 30-9, 4 hội đoàn thể đang quản lý dư nợ nhận ủy thác 2.127 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, với 1.615 Tổ TK&VV. Cụ thể: Hội Phụ nữ đang quản lý 964,3 tỷ đồng, chiếm 45,3%; Hội Nông dân quản lý 543,2 tỷ đồng, chiếm 25,5%; Hội Cựu chiến binh quản lý 265,3 tỷ đồng, chiếm 12,5% và Đoàn Thanh niên quản lý 354,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,6%.

Cán bộ ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải quyết kịp thời hồ sơ cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Qua kiểm tra thực tế của Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp cho thấy, chất lượng các Tổ TK&VV và hoạt động điểm giao dịch tại xã từng bước được nâng cao. Kết quả trong 9 tháng có 44 xã xếp loại tốt, chiếm 67,7%; 19 xã xếp loại khá, chiếm 29,2%; chỉ có 2 xã xếp loại trung bình, chiếm tỷ lệ 3,07%. Đối với Tổ TK&VV có 1.059 tổ xếp loại tốt, chiếm 65,57% (tăng 3 tổ so với quý trước); 413 tổ xếp loại khá, chiếm 25,57%; 126 tổ xếp loại trung bình, chiếm 7,8%; 17 tổ yếu, chiếm 1,05% (giảm 1 tổ so với quý trước).

Theo NHCSXH tỉnh, so với chỉ tiêu được giao, nguồn vốn cho vay hiện còn tồn trên 20 tỷ đồng. Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra, từ nay đến cuối năm, NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện phối hợp Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác phát huy vai trò tham mưu, đồng thời theo dõi và chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch số 1416/KH-UBND ngày 9-4-2019 của UBND tỉnh về triển khai các hoạt động nhằm bứt phá về nâng cao chất lượng tín dụng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác đôn đốc, kiên quyết thu hồi nợ quá hạn, nợ đến hạn để giảm nợ xấu. Tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, hệ thống Tổ TK&VV. Kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc việc họp bình xét cho vay; có giải pháp thay thế các Tổ trưởng Tổ TK&VV thiếu nhiệt tình, trách nhiệm, không đủ uy tín, năng lực quản lý; lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro kịp thời, đúng quy định; quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho nhân dân đến giao dịch vào ngày cố định hàng tháng. Phối hợp UBND cấp xã rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng là bộ đội, công an xuất ngũ có nhu cầu vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để triển khai cho vay..., phấn đấu đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng được thụ hưởng.