Kỳ vọng mới dưới triều đại của Nhật hoàng Naruhito

Ngày 22-10-2019, Nhật Bản sẽ tổ chức trọng thể Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế. Đây là một sự kiện đặc biệt, mở ra thời kỳ mới cho đất nước và người dân Nhật Bản.

Triều đại mới Lệnh Hòa

Tân Nhật hoàng Naruhito sinh ngày 23-2-1960, là con trai cả của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ông tốt nghiệp cử nhân và Thạc sĩ lịch sử ở trường hoàng gia của Nhật Bản - Đại học Gakushuin lần lượt vào các năm 1982 và 1988. Giai đoạn 1983-1985, ông du học ở Vương quốc Anh tại Đại học Merton, Oxford. Trong thời gian này, ông đã viết hồi ký “The Thames and I: A Memoir of two years at Oxford” (tạm dịch: Sông Thames và tôi: Hồi ký hai năm ở Oxford).

Ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử vào đúng ngày sinh nhật của mình, ngày 23-2-1991. Kế nhiệm cha mình, Nhật hoàng Naruhito được đánh giá là một người kiên nhẫn, biết cảm thông với mọi người và thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi các nạn nhân thảm họa thiên tai. Các chuyến đi này cho thấy, ông muốn noi gương cha mẹ mình, những người luôn được ca ngợi vì luôn gần gũi với công chúng. Trong nhiều năm qua, khi còn là Thái tử, ông Naruhito đã thể hiện được tầm nhìn là một vị vua lý tưởng, một người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người dân và luôn gần gũi với họ trong tâm tưởng.

Nhật hoàng Naruhito (trái) phát biểu tại Lễ lên ngôi Hoàng đế ngày 1.5.2019. Ảnh: AP

Ông Naruhito chính thức lên ngôi và trở thành vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản sau khi cha ông là Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30-4-2019 vì tuổi cao và sức khỏe giảm sút. Nhật hoàng Akihito cũng đã trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản chủ động thoái vị trong hơn 200 năm qua ở Nhật Bản.

Ngày 1-5-2019, Hoàng Thái tử Naruhito đã chính thức lên ngôi, bắt đầu một thời kỳ mới với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa). Niên hiệu Lệnh Hòa mang ý nghĩa là “văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những trái tim tốt đẹp nương tựa lẫn nhau của con người”. Tên “Lệnh Hòa” có nguồn gốc từ một câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản là “Vạn Diệp Tập”, là “quốc thư đặc trưng cho truyền thống lâu đời, văn hóa phong phú” của Nhật Bản. Trong cuốn này, Lệnh Hòa mang ý nghĩa một mùa Xuân mới, lan tỏa hòa bình.

Trong phát biểu đầu tiên gửi tới toàn dân ngày 1-5 khi chính thức lên ngôi, Nhật hoàng Naruhito đã tuyên bố nguyện hành động theo Hiến pháp, nguyện suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân. Tân Nhật hoàng cũng cho biết ông sẽ “tiếp bước” vua cha, vị cựu Nhật hoàng rất được lòng dân Akihito, người đã mang nền quân chủ lâu đời nhất thế giới tới gần hơn với dân chúng, đặc biệt khi xảy ra các thảm họa thiên tai. Tân Nhật hoàng Naruhito cam kết “đi trên con đường mà các bậc cha ông đã vạch ra” và luôn “tự hoàn thiện mình”.

Sau đó, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, ngày 4-5-2019, tân Nhật hoàng Naruhito đã bày tỏ hy vọng chân thành rằng, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế cùng hợp tác theo đuổi một nền hòa bình cho thế giới và phát triển hơn nữa.

Cú hích mới cho nền kinh tế Nhật Bản

Khi triều đại Lệnh Hòa mở ra, nhiều người dân Nhật Bản đã kỳ vọng Nhật hoàng Naruhito sẽ mang lại những luồng sinh khí mới cho “đất nước Mặt Trời mọc” và tạo ra cú hích cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Xét riêng trên lĩnh vực kinh tế, có thể nói triều đại Lệnh hòa khởi đầu không phải hoàn toàn thuận lợi, bởi trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua 4 giai đoạn phát triển gồm: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974-1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay).

Tuy nhiên, trong nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi trạng thái trì trệ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (sau khi lên nắm quyền vào tháng 12-2012) đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics. Đến nay, Abenomics đã được triển khai qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối năm 2012, kết thúc vào tháng 8-2015 với 3 “mũi tên”: Chính sách tiền tệ mạnh dạn; Chính sách tài chính cơ động; Xây dựng chiến lược tăng trưởng mới. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 9-2015 đến nay cũng với 3 “mũi tên” mới gồm: Phát triển kinh tế; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em; Đảm bảo an sinh xã hội, trong đó phấn đấu 3 mục tiêu: GDP năm 2020 đạt 600 nghìn tỷ Yên, nâng tỷ lệ sinh con lên 1,8 (duy trì dân số mức 100 triệu người sau 50 năm), giảm tỷ lệ người lao động phải nghỉ việc vì chăm sóc người già xuống 0%...

Kết quả của việc thực hiện Abenomics đã mang lại nhiều thành quả đáng chú ý. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua. Tháng 1-2019, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong tháng thứ 74 liên tiếp. Đây là giai đoạn tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Riêng trong quý II (từ tháng 4 đến tháng 6-2019), nền kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng hằng năm 1,8%, đây là quý thứ 3 liên tiếp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng, nhờ sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và chi tiêu cho xây dựng và mua sắm trang thiết bị…

Do đó, việc Nhật Bản có Nhà vua mới được người dân kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ “hòa hợp tốt đẹp” và được coi là cú hích mới cho nền kinh tế đất nước chính là như vậy. Các chuyên gia kinh tế nhận định, triều đại mới Lệnh Hòa sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Khi đón triều đại mới, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã nhanh chóng tận dụng thời khắc chuyển giao mang tính lịch sử này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ kết hôn và sinh con của người dân Nhật Bản nhân dịp này cũng có thể tăng lên, tiêu dùng cá nhân tăng, đồng thời các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, như vậy có thể kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nhà hàng, khách sạn tận dụng sự thay đổi về niên hiệu để tung ra các sản phẩm và hình thức khuyến mại mới. Có thể thấy những tác động kết hợp giữa sự thay đổi niên hiệu và các yếu tố khác sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Nhật Bản…

Vì vậy, hướng tới sự kiện trọng đại của đất nước Nhật Bản - lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito vào ngày 20-10 - người dân Nhật Bản đang tràn trề hy vọng tân Nhật hoàng Naruhito sẽ kế thừa những truyền thống tốt đẹp của vua cha. Bên cạnh đó, với sức trẻ của mình, Nhật hoàng Naruhito sẽ mang lại sức sống mới cho đất nước và người dân Nhật Bản. Một đất nước với nền văn hóa đầy bản sắc cùng thiên nhiên tươi đẹp bốn mùa như Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục vững bước vào tương lai. Và mỗi người dân Nhật Bản sẽ giống như bông hoa mơ nở rộ trong mùa xuân sau những ngày đông giá rét. Triều đại “Lệnh Hòa” bắt đầu sẽ củng cố thêm niềm tin rằng mỗi bông hoa sẽ nở thật rực rỡ như tương lai của xứ sở Mặt trời mọc.