Đoàn công tác Tỉnh ủy giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tại huyện Thuận Nam

Ngày 8-10, Đoàn giám sát của Tỉnh ủy do đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Huyện ủy Thuận Nam về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, công tác phổ biến quán triệt, triển khai cụ thể hóa nghị quyết được Huyện ủy, UBND huyện Thuận Nam triển khai đồng bộ, quyết liệt; kinh tế nông nghiệp, nông thôn không ngừng phát triển. Tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp trong 3 năm đạt 3.552 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 26%; diện tích gieo trồng đến nay đạt trên 4.450 ha; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, các mô hình sản xuất ứng phó với BĐKH tiếp tục duy trì và mở rộng; sản lượng khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng về số lượng và chất lượng, đời sống của người dân có chuyển biến rõ nét. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện, toàn huyện hiện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm xã Phước Ninh đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: H.Lâm

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy. Để nghị quyết thực sự đi vào đời sống, trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Huyện ủy tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong triển khai thực hiện nghị quyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức được tầm quan trọng của cơ cấu lại ngành Nông nghiệp ứng phó với BĐKH; tập trung rà soát, định hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất mang tính đột phá phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện, gắn với thị trường tiêu thụ. Chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, huy động và phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.