Đề án 1019: Tạo cơ hội giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

Sau hơn 8 năm triển khai, Đề án Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) bước đầu xóa bỏ những “rào cản”, hỗ trợ toàn diện từ việc trợ cấp thường xuyên, chăm sóc sức khoẻ, vốn sản xuất, kinh doanh đến cách làm kinh tế, giúp NKT cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh hiện có gần 14.879 NKT, trong đó trên 10.400 NKT nặng và đặc biệt nặng. Nhìn chung, đời sống của hầu hết NKT trong tỉnh còn nhiều khó khăn, không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân. Không ít NKT có tâm lý tự ty, mặc cảm, khó tiếp cận các cơ hội việc làm. Nhằm giúp NKT đảm bảo cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, Đề án 1019 đề ra nhiều chính sách thiết thực giúp đối tượng tiếp cận với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phục hồi chức năng, giáo dục nghề nghiệp... Trong đó, đáng chú ý là công tác hỗ trợ NKT tiếp cận các dịch vụ y tế. Là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Bệnh viện Y dược cổ truyền thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn lực lượng cộng tác viên chuyên trách phục hồi chức năng tại cơ sở cách điều tra, thu thập số liệu thông tin cá nhân NKT; sử dụng thành thạo phần mềm Quản lý sức khỏe NKT. Thông qua đó, Bệnh viện kịp thời theo dõi, hỗ trợ chăm sóc cho trên 6.000 NKT, đạt 80% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau.

Hội Người mù tỉnh tổ chức lớp tập huấn giác hơi cho hội viên. Ảnh: M.Dung

Cùng với việc thực hiện tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho NKT, tỉnh ta tăng cường trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, góp phần giúp NKT nâng cao nhận thức về pháp luật, hòa nhập với cộng đồng. Để việc trợ giúp pháp lý cho NKT thuận lợi, đạt hiệu quả cao, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành cho hoạt động nhân đạo này. Bên cạnh đó, việc trợ giúp pháp lý không chỉ dừng lại ở hướng dẫn, tư vấn mà Trung tâm còn cử cán bộ trợ giúp pháp lý xuống tận nơi để khảo sát, tiếp cận tìm hiểu nhu cầu, vướng mắc của NKT, giúp đỡ họ hoàn thiện hồ sơ, thực hiện tư vấn hoặc làm đại diện thay người đó thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, liên hệ với cơ quan chức năng giải quyết những yêu cầu pháp lý của NKT thông qua hình thức đại diện ngoài tố tụng…Với việc triển khai linh hoạt từ cơ sở, NKT dễ dàng tiếp cận các cơ sở pháp lý, nắm rõ các chính sách ưu đãi của Nhà nước; giúp họ tự bảo vệ hoặc nhờ đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong cuộc sống. 

Nhằm tạo cơ hội cho NKT tham gia vào thị trường lao động, tự vươn lên bằng sức lao động của mình, địa phương thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia học nghề và tìm việc làm. Thông qua đề án, đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, hỗ trợ việc làm cho 157 lao động NKT, hỗ trợ cho 69 đối tượng vay vốn phát triển sản xuất, mở ra cánh cửa để họ hòa nhập với xã hội, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như trường hợp em Nguyễn Thị H., nhờ sự giới thiệu của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã trúng tuyển vào Công ty Viettel Ninh Thuận. Em vui mừng chia sẻ: Tìm được công việc phù hợp không chỉ mang lại niềm vui, mà còn giúp em có thêm thu nhập tự nuôi sống bản thân khỏi phải sống dựa dẫm phụ thuộc gia đình.

Đề án Hỗ trợ NKT góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NKT, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.