Tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số SIPAS

Theo kết quả Bộ Nội vụ công bố, năm 2018, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh ta có sự giảm sút đáng kể so với năm 2017, xếp vị trí thứ 49/63 tỉnh, thành phố, giảm 26 bậc so với năm 2017. Kết quả này cho thấy, sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều tồn tại, hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.

Chỉ số SIPAS năm 2018 được Bộ Nội vụ giao Bưu điện tỉnh tổ chức khảo sát 480 tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trong năm 2018 tại 6 sở, ngành; 6 huyện, thành phố (trừ huyện Ninh Hải) và 18 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2018, Chỉ số SIPAS của tỉnh là 77,40%, giảm 5,4% so với năm 2017, thấp hơn so với mức chung của cả nước 5,59%. Trong đó có 5/5 chỉ số thành phần và 21/22 tiêu chí thành phần có mức độ hài lòng đều giảm so với năm 2017. Những kết quả của Chỉ số SIPAS năm 2018 cho thấy sự giảm sút đáng kể. Qua phân tích có thể thấy rằng, có nhiều chỉ số cũng như các tiêu chí thành phần bị giảm điểm rất đáng tiếc, nếu có sự quan tâm đúng mức có thể khắc phục, cải thiện được trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, ở Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, trong 4 tiêu chí thành phần thì có tới 3 tiêu chí đều giảm so với năm 2017. Chủ yếu là vấn đề về trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức đầy đủ, chưa dễ sử dụng... Ở Chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính thì có tới 5/5 tiêu chí thành phần đều giảm. Trong đó tổ chức, cá nhân phản ánh việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn, không thông báo lý do trễ hẹn, không thực hiện thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn. Hay như ở Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, trong 4 tiêu chí thành phần thì cả 4 tiêu chí đều giảm so với năm 2017. Đáng chú ý, ở Chỉ số hài lòng về công chức và Chỉ số hài lòng về kết quả cung ứng dịch vụ công hành chính đều có kết quả giảm 29 bậc so với năm 2017. Trong đó các tiêu chí thành phần đều có mức độ hài lòng giảm. Qua phân tích thì nguyên nhân chủ yếu là tổ chức, cá nhân phản ánh việc công chức hướng dẫn hồ sơ không rõ ràng, không đầy đủ dẫn đến phải đi lại nhiều lần, thậm chí có một số công chức gây phiền hà, sách nhiễu và gợi ý nộp tiền ngoài quy định.

Bộ phận tiếp nhận và trao kết quả hồ sơ tại UBND xã Thanh Hải (Ninh Hải) hoạt động hiệu quả.

Chỉ số SIPAS 2018 là một trong những kênh cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết, giúp tỉnh ta có thể đánh giá thực trạng việc cung ứng dịch vụ hành chính công của tỉnh, từ đó giúp các cơ quan, đơn vị và địa phương xác định được các tồn tại trong cải cách hành chính để tìm ra giải pháp khắc phục. Trong cuộc họp phân tích và đánh giá kết quả thực hiện Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước mới đây, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ra đã chỉ rõ những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, tổ chức; tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ chưa tốt, gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính…

Từ những hạn chế của Chỉ số SIPAS năm 2018, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận những mặt khuyết điểm, hạn chế để từ đó chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm trong việc nâng cao các Chỉ số SIPAS trong thời gian tới, có kế hoạch khắc phục những hạn chế. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các nội dung người dân, tổ chức chưa hài lòng; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các Chỉ số SIPAS, đồng thời bố trí cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn, nhiệp vụ cũng như tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; các sở, ngành có thủ tục hành chính liên quan trực tiếp với người dân, tổ chức cũng như các địa phương cần tiếp tục rà soát, cập nhật, công khai đầy đủ các các thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện tốt việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

Có thể nói, sự hài lòng của người dân, tổ chức chính là thước đo trung thực nhất, chính xác nhất cho mọi cố gắng cải cách hành chính. Để đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra đến năm 2020 mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đạt trên 80%, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, qua đó góp phần nâng cao Chỉ số SIPAS của tỉnh trong thời gian tới.