Xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh bán lẻ hàng hóa, dịch vụ

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đem lại những lợi ích to lớn đối với nền kinh tế, doanh nghiệp, người sử dụng và cả nhà quản lý. Hiện nay, tại tỉnh ta, phương thức thanh toán này diễn ra khá sôi nổi tại các đơn vị kinh doanh bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.

Là đơn vị kinh doanh bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh, từ khi đi vào hoạt động, ngoài thanh toán bằng tiền mặt, Siêu thị Co.opmart Thanh Hà còn áp dụng hình thức thanh toán cho phép người tiêu dùng thực hiện chi trả thông qua máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng (máy POS). Những năm đầu triển khai, lượng giao dịch thông qua máy POS không nhiều. Tuy nhiên, gần 3 năm trở lại đây, hình thức thanh toán này nhận được sự ủng hộ tích cực của khách hàng, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giới văn phòng, người kinh doanh, những người được trả lương qua tài khoản ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, Co.opmart Thanh Hà thực hiện liên kết với 3 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh lắp đặt 16 máy POS tại các quầy tính tiền để phục vụ hoạt động thanh toán của khách hàng.

Khách hàng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà.

Ông Trần Hải Đông, Giám đốc Co.opart Thanh Hà, cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi tháng, đơn vị có gần 3.000 giao dịch thanh toán được thực hiện thông qua máy POS. Nhằm khuyến khích khách hàng gia tăng sử dụng phương thức TTKDTM, từ tháng 6-2019, Co.opmart Thanh Hà triển khai thêm hình thức thanh toán bằng ví điện tử MoMo. Tháng đầu tiên triển khai, có gần 700 giao dịch được thực hiện, đạt giá trị giao dịch gần 140 triệu đồng.

Nếu như trước đây, phương thức TTKDTM chỉ được thực hiện tại các đơn vị kinh doanh lớn như: Siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm điện máy, điện tử… thì nay, phương thức này còn diễn ra sôi nổi tại nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như: Cửa hàng thời trang, quán ăn, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, bida…triển khai áp dụng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, đến hết tháng 6- 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 369 máy POS của 6 ngân hàng được 222 đơn vị kinh doanh liên kết lắp đặt để áp dụng phương thức thanh toán phi tiền mặt. Thanh toán qua máy POS vẫn là hình thức phổ biến nhất trong TTKDTM hiện nay. Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh đã bắt đầu áp dụng thêm các hình thức thanh toán mới như: quét mã QR, ví điện tử MoMo hay thẻ visa.

Việc các nhà kinh doanh bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các hình thức TTKDTM không chỉ giúp người kinh doanh thực hiện luân chuyển đồng vốn nhanh hơn, giao dịch an toàn hơn, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm mà còn giúp quá trình thanh toán của người dân diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm chi phí. Đồng thời, tránh được các rủi ro phát sinh như trộm cắp, cướp giật, nạn tiền giả. Cũng nhờ vậy, thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Chị Trần Thị Anh Thư, ở phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), cho biết: Trước đây, khi mua hàng là chị thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Hiện nay, phương thức thanh toán phi tiền mặt trở nên phổ biến hơn, thâm nhập sâu vào các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và mang lại nhiều tiện ích nên cứ ở đâu có TTKDTM là chị sử dụng. Ngoài cà thẻ ngân hàng, chị Thư còn sử dụng thêm hình thức thanh toán bằng ví điện tử MoMo để hưởng nhiều ưu đãi hơn.

TTKDTM là một xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy vậy, tỷ lệ TTKDTM trong mọi giao dịch nói chung và giao dịch thương mại đối với bán lẻ hàng hóa, dịch vụ nói riêng trên địa bàn tỉnh ta hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Để thúc đẩy TTKDTM, thiết nghĩ, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của người dân. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đại lý không chỉ ở các địa bàn trung tâm thành phố, thị trấn, mà còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đa dạng kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ thanh toán… Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ, tăng niềm tin của khách hàng sử dụng thẻ cũng như dịch vụ ngân hàng… để TTKDTM thu hút đông đảo người tiêu dùng trong thời gian tới.