Gỡ khó trong giải phóng công suất các dự án điện tái tạo

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có 18 dự án với tổng công suất 1.180 MW điện đã chính thức đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, do thiếu tính đồng bộ về thời gian giữa đầu tư hạ tầng truyền tải và các nhà máy điện nên việc giải phóng công suất cho các dự án điện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện có đến 10 dự án phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Trước thực tế hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần sớm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo.

Đầu tư hạ tầng truyền tải điện, góp phần giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: V.M

Theo thống kê, hiện trạng lưới điện truyền tải hiện hữu trên địa bàn tỉnh, khả năng giải tỏa công suất chỉ đáp ứng khoảng từ 800MW, trong khi đó hiện có khoảng 1.180MW từ điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành làm quá tải lưới điện 110kV. Khó khăn trong việc giải phóng công suất đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của dự án và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 4 dự án, công suất 140 MW và năm 2020 có 12 dự án, công suất 614 MW tiếp tục đưa vào vận hành thương mại. Trong khi đó, hầu hết các danh mục lưới điện truyền tải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều dự kiến tiến độ triển khai sau năm 2020. Do đó, việc giải phóng công suất 2.000MW đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, không khai thác tối đa lượng điện sản xuất của các nhà máy triển khai đúng tiến độ.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận và Công văn số 1891/TTg-CN ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục lưới điện truyền tải đấu nối các dự án điện mặt trời. Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) có kế hoạch đầu tư lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 10 công trình lưới điện 220kV và 500kV do EVN NPT thực hiện và 7 công trình lưới điện 110kV do EVN SPC thực hiện, nhưng nhìn chung tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện trước năm 2020 do khó khăn nguồn vốn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên chưa tốt, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu trong thời gian tới không có giải pháp phù hợp sẽ không triển khai kịp tiến độ giải tỏa công suất.

Nhà máy Điện gió và điện mặt trời Trung Nam (Thuận Bắc) hòa lưới điện quốc gia.

Để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện một số công trình truyền tải 500kV, 220kV, trên cơ sở bố trí vốn để đẩy nhanh thi công, hoàn thành các dự án truyền tải trước năm 2020. Trong trường hợp khó khăn về tài chính, không cân đối bố trí vốn cho các hạng mục công trình trên đề nghị Trung ương ủng hộ phương án xã hội hóa đầu tư để doanh nghiệp thực hiện xây dựng đoạn đấu nối nhằm kịp thời giải toả hết công suất các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Căn cứ Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nguyện vọng đề xuất các nhà đầu tư năng lượng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp đầu tư công trình hạ tầng truyền tải đường dây và trạm biến áp 500kV Thuận Nam. Tại Kết luận số 217/TB-VPCP ngày 21-6-2019 của Chính phủ về cơ chế chính sách đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trong đó có phương án xã hội hóa đầu tư; đồng thời phối hợp EVN hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện xây dựng đoạn đấu nối, để có cơ sở triển khai kịp thời, nhằm giải toả hết công suất các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Tin rằng, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của địa phương và quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp, những khó khăn về giải tỏa công suất các dự án điện sẽ sớm được tháo gỡ để các nhà đầu tư yên tâm cùng tham gia đóng góp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.