Kết quả bước đầu của Dự án Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp

Dự án Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp do Vương quốc Hà Lan tài trợ, triển khai từ năm 2016 tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận, với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.

Tại tỉnh ta, dự án được thực hiện bởi 3 đối tác: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Bám sát nội dung, mục tiêu của dự án, các đơn vị đã triển khai các hợp phần theo đúng chức năng và nhiệm vụ của đơn vị mình, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Đối với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, để triển khai có hiệu quả hợp phần kinh doanh liên quan đến phát triển thị trường, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung theo lộ trình nhất định, ưu tiên cho hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, thông tin kết nối thị trường; tiếp cận nguồn lực sản xuất, đầu tư phát triển thương hiệu. Trong chuỗi hoạt động hỗ trợ của Trung tâm, nổi lên là tổ chức 5 đợt xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, kết nối “cung - cầu” tại các thị trường trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Tp. Huế (Thừa Thiên - Huế), TP. Hà Nội. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp đã ký kết 10 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị được lựa chọn tác động là: Măng tây xanh, nho, lúa gạo. Kết quả không kém phần quan trọng nữa là, Trung tâm đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng thương hiệu, thiết kế, đăng ký nhận diện logo, in ấn tem, nhãn. Qua đó, giúp doanh nghiệp phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh, có định hướng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, phụ nữ phường Văn Hải
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đầu tư trồng nha đam cho thu nhập cao.

Nét nổi bật trong thực hiện dự án của Hội LHPN tỉnh là chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nâng tầm vị thế của “phái yếu” trên thương trường, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều nữ doanh nhân giỏi. Tính đến nay, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 3 mô hình điểm “Phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh”, gồm: Cơ sở sản xuất rau, củ, quả sấy Mộc, Cơ sở sản xuất nông nghiệp Ông Thắng, Cơ sở rượu, mật nho Ngọc Trâm vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; đồng thời, hỗ trợ trang bị máy đóng gói sản phẩm, thiết kế trang trí bảng hiệu, kệ tủ trưng bày sản phẩm, đăng ký thương hiệu sản phẩm, với tổng số tiền gần 160 triệu đồng. Chị Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh do nữ làm chủ được chọn hỗ trợ đều là những gương mặt trẻ, năng động, sáng tạo và đam mê trong công việc. Thông qua hoạt động hỗ trợ, đến nay các cơ sở đi vào hoạt động tốt, kết nối được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đối với những phụ nữ điều kiện kinh tế khó khăn nhưng có khát vọng vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN tỉnh đã huy động nguồn vốn hỗ trợ các chị làm kinh tế. Từ nguồn vốn Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN các cấp đã cho 113 chị vay vốn không lãi suất để kinh doanh, buôn bán, phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn trái cây.

Riêng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện các hoạt động can thiệp đối với hợp phần kinh doanh liên quan đến sản xuất nông nghiệp theo quy trình canh tác SRI, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, kỹ thuật, nguồn lực đầu tư vào giống, thiết bị nông nghiệp cho các tổ, nhóm, HTX nông nghiệp do nữ làm chủ cũng tạo được chuyển biến tích cực. Tiêu biểu là đơn vị đã xúc tiến xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ giống cho một số HTX sản xuất măng tây xanh. Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Châu Rế, thôn Thành Tín, xã Phước Hải (Ninh Phước), thổ lộ: Trước đây, do khó khăn về nguồn vốn hạn hẹp, nên HTX chỉ làm dịch vụ cung cấp giống và vật tư nông nghiệp cho bà con ở địa phương sản xuất lúa. Hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, HTX đã xây dựng phương án sản xuất 2 ha măng tây xanh để nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Có thể nói, qua 3 năm triển khai thực hiện dự án, nhận thức về hành vi bình đẳng giới được tăng cường, phụ nữ có điều kiện tham gia các tổ, nhóm, hoạt động cộng đồng, phát triển kinh tế.