Chú trọng hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng vụ hè - thu theo quy trình sạch

Trong bối cảnh hiện nay, hàng nông sản muốn vượt qua các rào cản kỹ thuật để xâm nhập vào những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu, thì việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo quy trình sạch để tạo ra sản phẩm chất lượng cao là rất cần thiết. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp, nông thôn và các địa phương trong tỉnh triển khai sản xuất vụ hè - thu năm 2019.

Vụ hè - thu 2019, toàn tỉnh gieo trồng 21.542 ha cây trồng các loại, tăng 339 ha so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, lúa 13.520 ha, số diện tích còn lại là đậu, bắp và rau màu các loại. Nguyên nhân diện tích gieo trồng tăng là nhờ thời tiết thuận lợi hơn năm trước, trời có mưa nên một số địa phương mở rộng sản xuất. Đến nay, trà lúa chính vụ đã bón phân đợt 2 và đang sinh trưởng tốt nhờ duy trì được nguồn nước tưới ổn định. Cây lúa ở những cánh đồng lớn cũng phát triển tốt, qua kiểm tra của cơ quan chức năng không có dấu hiệu xuất hiện sâu bệnh. Điều các địa phương lo lắng nhất là công tác bảo vệ thực vật ở những vùng sản xuất lúa ngoài kế hoạch ít được nông dân quan tâm. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Vụ này nông dân sản xuất lúa ngoài kế hoạch khoảng 200 ha, tập trung ở xã Nhị Hà, Phước Hà (Thuận Nam). Đây là những vùng thường xuyên thiếu nước, trong trường hợp nắng nóng kéo dài thì nguy cơ cây lúa bị chết úa dễ xảy ra do không có hệ thống thủy lợi tiếp nước từ các hồ đập về. Lường trước khó khăn, ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng tiết kiệm nước; đồng thời, vận động bà con sau khi kết thúc vụ hè - thu không tiếp tục sản xuất lúa, chuyển qua canh tác các loại cây trồng cạn.

Nông dân Ninh Phước chăm sóc vườn táo. Ảnh: A.T

Vụ hè - thu 2019 toàn tỉnh chuyển đổi 1.940 ha cây trồng; trong đó, chuyển đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả hơn 617 ha. Để công tác chuyển đổi thu được nhiều kết quả, tạo niềm tin cho nông dân tiếp tục duy trì, mở rộng vùng chuyển đổi ở những vụ tiếp theo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cử cán bộ về cơ sở “đồng hành cùng nông dân” ra đồng chăm sóc cây trồng. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Để các mặt hàng nông sản đảm bảo chất lượng, không tồn dư chất cấm, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã hỗ trợ một số hộ triển khai các mô hình trình diễn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo phương pháp canh tác mới về giống, phân bón, công nghệ tưới tiết kiệm. Được sự hướng dẫn của ngành chức năng, một số hộ ở xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Vinh (Ninh Phước) chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng khổ qua, mướp, bầu, theo phương pháp lô dàn bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, bà con thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của thương lái hợp đồng thu mua sản phẩm.

Ghi nhận của chúng tôi, trong vụ hè - thu năm 2019, nông dân trồng các loại cây ăn quả như nho, táo đã nhận thức được sự cần thiết áp dụng các quy trình sản xuất sạch, đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, nên nhân rộng mô hình phủ lưới vườn táo ngăn chặn sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân trồng táo Nguyễn Văn Đức, ở thôn Lương Cang 2, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Ngay từ đầu vụ, nông dân trồng táo ở địa phương ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Thực hiện cam kết về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của đơn vị thu mua, các hộ tự nguyện tham gia nhóm trồng táo VietGAP nhằm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM nông sản Thái Thuận Ninh Thuận, cho biết: Công ty là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng dây chuyền xử lý nho, táo sạch, luôn tìm kiếm các đối tác uy tín hợp đồng cung cấp sản phẩm ổn định, có chất lượng. Hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Công ty đưa lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Về phía Công ty, thường xuyên phân công cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn các hộ thực hiện quy trình kiểm soát, cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch nho, táo.

Điều đáng lo ngại trong vụ hè - thu 2019 là bệnh khảm lá trên cây mì đã tái phát. Trước thực trạng nông dân ồ ạt chuyển từ trồng mía sang trồng mì đã làm cho diện tích cây mì tăng vọt, vượt ngưỡng 3.500 ha, không những phá vỡ quy hoạch vùng cây nguyên liệu, mà còn làm phát sinh dịch bệnh. Do không chủ động được giống, một số hộ mua giống mì trôi nổi ngoài thị trường, nên đến nay bệnh khảm lá trên cây mì đã xuất hiện ở một số nơi, tập trung nhiều tại xã Hòa Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn). Tác hại của bệnh khảm lá là làm giảm năng suất, mức độ lây lan nhanh, nếu kiểm soát không tốt sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân. Theo đồng chí Phạm Dũng, biện pháp phòng trừ bệnh đơn vị đang tập trung thực hiện là khoanh vùng, tiến hành tiêu hủy cây trồng bị nhiễm bệnh.

Với việc chủ động, tích cực của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng đúng theo quy trình kỹ thuật, tin tưởng vụ hè - thu 2019 sẽ thu được nhiều thành quả.