Khơi dậy niềm đam mê khoa học qua Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên và nhi đồng

Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ 13 năm 2019 vừa khép lại. Đây không chỉ là một sân chơi trí tuệ, bổ ích mà còn là động lực để tuổi trẻ tỉnh nhà phát huy khả năng đam mê khoa học, sáng tạo những sản phẩm hữu ích, phục vụ thiết thực trong sản xuất và đời sống.

Cuộc thi do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức thường niên. Đến nay, qua mỗi cuộc thi, số lượng, chất lượng, nội dung tham gia dự thi được nâng lên rõ rệt, nhiều mô hình, giải pháp có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi, nhìn nhận: Nhìn lại phong trào sáng tạo trong thanh-thiếu niên và nhi đồng tỉnh thời gian qua có thể thấy, sức lan tỏa của cuộc thi ngày càng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017, BTC nhận được 58 giải pháp dự thi, thì năm 2018 có 66 giải pháp và 2019 có tới 76 giải pháp; qua sơ tuyển, BTC đã loại 16 giải pháp, còn lại 60 giải pháp. Kết quả trên ngoài sự chủ động của BTC trong việc phổ biến, tuyên tuyền kế hoạch, thể lệ cuộc thi, còn có sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh thực hiện những ý tưởng, đề tài tham dự của một số đơn vị. Đây được xem là nhân tố quyết định cho sự thành công của cuộc thi, trở thành nơi ươm mầm cho những sáng tạo.

Thí sinh trình bày mô hình tại Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên và nhi đồng tỉnh lần thứ 13 năm 2019.

Theo đánh giá của BTC, trong các đề tài dự thi và đạt giải năm nay, ngoài các đơn vị có phong trào tốt, thì một số trường học dù mới tham gia nhưng đạt kết quả cao, hầu hết sản phẩm đều bám sát thực tế, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Một trong những giải pháp xuất sắc được BTC trao giải đặc biệt và đề cử tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm nay, phải kể đến sản phẩm “Máy thu gom nông sản điều khiển tự động trên sân phơi” của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Thực, Trần Hoàng Nguyên, học sinh Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn). Dựa trên ứng dụng vi mạch điều khiển Arduino, máy sẽ tự động hóa các công đoạn thu gom và may miệng bao khi nông sản đã đổ đầy. Chia sẻ về đề tài của mình, em Nguyễn Hữu Thực, cho biết: Việc thu gom lúa, bắp, đậu hiện nay của bà con nông dân còn thủ công và mất nhiều công sức, lấy ý tưởng từ chiếc máy hút bụi trong nhà, chúng em tự mày mò, nghiên cứu; đồng thời, có sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà trường, giúp sản phẩm hoàn thành trong vòng 6 tháng. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Hay mô hình “Nhà thông minh (Smart Home)” đạt giải Nhất của em Võ Thanh Minh Nhật, Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn), từ ý nghĩ phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống theo xu hướng thời đại công nghệ 4.0, với một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng Wifi hoặc 3G, kết hợp công nghệ trợ lý ảo của Google, Google assistant qua giọng nói có thể điều khiển tất cả các thiết bị điện tử trong nhà…

Ngoài 2 sản phẩm trên, còn nhiều giải pháp khoa học mang tính thiết thực, nếu được nâng cấp hoàn thiện có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt, học tập, nghiên cứu. Tiêu biểu như giải pháp “Máy dọn rác trên bờ biển” của em Bùi Tấn Lộc, Phan Nhật Tiến; mô hình “Máy bay phun thuốc trừ sâu” của Phạm Nguyễn Gia Bảo; “Phần mềm English Listening 6-7-8-9” của Ung Tuấn Lĩnh; “Hệ thống cảnh báo lũ lụt” của Nguyễn Lê Bảo Vy…

Đồng chí Lê Kim Hùng, cho biết thêm: Nhằm khơi nguồn sáng tạo cho thế hệ trẻ thực hiện ước mơ, hoài bão của mình trên lĩnh vực khoa học, trong thời gian tới, BTC sẽ tổ chức phát động cuộc thi ngay từ đầu năm học mới, tăng cường công tác phối hợp, quan tâm hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục tham gia. Đồng thời, các sản phẩm đạt giải cao được Sở KH&CN hỗ trợ tiếp cận với doanh nghiệp cải tiến, nâng cấp hoàn thiện để áp dụng vào thực tiễn.