Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã tạo sự chuyển biến trên địa bàn tỉnh. Về tư tưởng, đạo đức, lối sống-lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực.

Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.

Đồng chí Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết 33-NQ/TW ban hành, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 282/2014-CTHĐ/TU; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5755/2014/KH-UBND, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người trên địa bàn tỉnh phù hợp trong giai đoạn mới; đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân chú trọng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, làm nền tảng trong công tác xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện.

Điệu múa quạt đặc sắc của đồng bào Chăm.Ảnh: Văn Miên

UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; được phát huy, mở rộng và nâng cao về chất lượng và hiệu quả. Việc xây dựng các quy ước thôn, bản, khối phố văn hóa được các địa phương chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng quy định. Tính đến cuối năm 2018, có 342/402 thôn, khu phố văn hóa được công nhận thôn, khu phố văn hóa; 12/18 phường, thị trấn đạt phường, thị trấn văn minh đô thị; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm mới, nội dung phong phú, hiệu quả. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế; tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa... Đến cuối năm 2018, 91% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt văn hóa. Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên. Tỷ lệ người dân tham gia rèn luyện sức khỏe ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Tính đến nay, đã có 239 di tích được kiểm kê trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 58 di sản văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, ngoài việc sử dụng nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho du lịch, tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch.

Di tích Tháp Poklong Garai thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Văn Nỷ.

Đồng chí Văn Công Hòa, cho biết thêm: Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Đó là, tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 282-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tạo bước chuyển mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa; huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn địa phương và trong tình hình mới; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cấp tỉnh; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng đề án, đầu tư kinh phí đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa, quản lý văn hóa và cán bộ của Đảng làm công tác tham mưu trong lĩnh vực văn hóa.