Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: Góp phần đẩy mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh những năm qua không chỉ làm tốt sứ mệnh “hoằng pháp độ sanh”, mà còn tích cực chăm lo các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, tri ân người có công với đất nước, tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết các tôn giáo bạn để góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có 121 cơ sở tự viện, với 298 tăng ni; 4 Tuệ Tĩnh đường; 1 Trường Trung cấp Phật học. Với việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022, GHPG tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động Phật sự, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Đặc biệt, với vai trò là thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh, GHPG tỉnh đã tích cực vận động tăng ni, phật tử, đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận phát động và thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban từ thiện Giáo hội Phật giáo tỉnh trao quà cho người dân
bị ảnh hưởng mưa, lũ trên địa bàn huyện Ninh Phước.

Ni sư Thích Nữ Đức Hải, Trưởng Ban Từ thiện GHPG tỉnh cho biết: Mỗi thành viên trong GHPG tỉnh luôn xác định đóng góp hết mình cho đạo và cho đời trên tinh thần “hộ quốc an dân”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình an sinh xã hội, giúp nhân dân ổn định cuộc sống và đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước, tỉnh nhà. Với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác vận động, các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, giáo dục, khám chữa bệnh, bảo vệ môi trường… Ở từng địa phương xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới được nhân rộng, nhiều tấm gương điển hình mang ý nghĩa thiết thực. Cũng theo Ni sư Thích Nữ Đức Hải, tỉnh ta có nhiều cơ sở Phật giáo đã tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội, để lại dấu ấn tốt trong đồng bào phật tử và nhân dân trong tỉnh. Tiêu biểu như: Chùa Bửu Hòa, Long Cát, các tuệ tĩnh đường: Trà Cang, Phước Thạnh, Long Nhạc, Quảng Sơn,... Không chỉ vận động các mạnh thường quân, các phật tử và nhà hảo tâm ủng hộ trao tặng hàng nghìn xe lăn; đưa đi mổ mắt miễn phí cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 1 tỷ đồng mỗi năm; tổ chức nấu cơm, cháo từ thiện cung cấp cho bệnh nhân nghèo tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh... Các cơ sở thờ tự này còn nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ; chăm lo cụ già cô đơn không nơi nương tựa; mở các lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm trẻ em mồ côi, khuyết tật, gia đình nghèo...Bên cạnh đó, còn tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng phương pháp y học cổ truyền dân tộc và y học hiện đại. Các nhà sư - thầy thuốc tại các Tuệ tĩnh đường còn đến nhiều địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Ban Từ thiện GHPG tỉnh đã vận động trên 3 tỷ đồng thực hiện công tác xã hội từ thiện. Trong đó tặng hàng ngàn phần quà (bình quân 300.000 đồng/phần); xây dựng 10 căn nhà tình thương; tổ chức nhiều chuyến đi cứu trợ, khám, chữa bệnh ở các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, khi có thiên tai, lũ lụt, GHPG tỉnh còn tổ chức quyên góp, vận động từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm để cứu trợ kịp thời đồng bào nghèo.

Bên cạnh hoạt động từ thiện, GHPG tỉnh còn tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động đã được tăng ni, phật tử tích cực hưởng ứng tham gia. Nhiều cơ sở Phật giáo còn tổ chức quyên góp vận động nhân lực, tài lực để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như đường giao thông, xây dựng trường học, nhà trẻ… nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư.

Đại đức Thích Đồng Niệm, Phó Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết: Với phương châm “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, công tác xã hội từ thiện sẽ tiếp tục được triển khai, nhằm hỗ trợ đông đảo đồng bào khó khăn, người nghèo, neo đơn, gia đình chính sách, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Bên cạnh đó, GHPG tỉnh sẽ đổi mới mô hình tổ chức trong việc quản lý, áp dụng thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 vào việc tổ chức các hình thức sinh hoạt, hướng dẫn phật tử, đặc biệt là đối với thanh niên trẻ để góp phần nâng cao đạo đức của xã hội; tích cực tham gia các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể, tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế.