Đổi thay trên vùng “an toàn khu” Bác Ái

(NTO) Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Bác Ái tự hào là “căn cứ thép” ở vùng đất Nam Trung Bộ. Người dân Raglai Bác Ái một lòng theo Đảng, kiên cường, gạn dạ chiến đấu chống kẻ thù. Huyện Bác Ái anh hùng ngày nay, đang từng ngày đổi thịt, thay da nhờ những chính sách hỗ trợ, tiếp thêm nguồn lực để người dân vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.

Có một vùng “an toàn khu” Bác Ái

Trong kháng chiến, Bác Ái là chiến trường vô cùng khắc nghiệt, nhưng lại là vị trí thuận lợi cho quân ta xây dựng thế trận chiến tranh du kích, tiến công vào những vị trí hiểm yếu như: Quân cảng Cam Ranh, Sân bay Thành Sơn, giao thông Quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 27, đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt. Với những đặc điểm thuận lợi về địa thế, địa hình, tại Đại hội Đại biểu tỉnh Ninh Thuận lần thứ II (tháng 12-1951) đã xác định Bác Ái có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với tỉnh và vùng cực Nam Trung Bộ, vì vậy phải không ngừng xây dựng Bác Ái thành khu căn cứ kháng chiến vững mạnh toàn diện, hậu phương an toàn vững chắc, làm chỗ đứng chân của cơ quan lãnh đạo và lực lượng vũ trang của tỉnh. Trên tinh thần chỉ đạo của Đảng và lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu kiên cường, người dân Bác Ái đã đoàn kết một lòng quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Ngày 30-8-1960, huyện Bác Ái hoàn toàn được giải phóng và cùng cả tỉnh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Một góc hạ tầng giao thông Bác Ái hôm nay. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Bác Ái là mảnh đất kiên cường trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước với những đóng góp hết sức to lớn. Trong điều kiện khó khăn, với những vũ khí thô sơ như: súng trường, hầm chông, bẫy đá, nhưng quân dân Bác Ái đã đoàn kết một lòng cùng quân dân trong tỉnh lập nhiều chiến công, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Bác Ái vinh dự có có 4 cá nhân 8/9 xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có Bẫy đá Pinăng Tắc-di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và 3 di tích lịch sử kháng chiến cấp tỉnh: Di tích núi Tà Năng, Đồn Là Lú, Đồn Ma Ty, nơi ghi dấu chiến công lịch sử, thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân dân Bác Ái anh hùng. Trong quá trình xem xét đối chiếu với các nội dung liên quan đến tiêu chí xác định xã an toàn khu, huyện đã lập hồ sơ đề nghị và được công nhận 5/9 xã là xã an toàn khu. Hiện nay huyện đang tiếp tục lập hồ sơ để đề nghị cấp thẩm quyền xem xét công nhận vùng an toàn khu huyện Bác Ái.

Sức bật “30a”

Anh hùng trong kháng chiến, nhưng do điều kiện phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn, Bác Ái vẫn là một trong 64 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2009-2018, huyện Bác Ái được phân bổ nguồn vốn 953,93 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ đó, huyện đã triển khai thực hiện đầu tư 634 hạng mục công trình, với tổng kinh phí trên 284,4 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, công trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt cho người dân. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông từ huyện đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc cấp phối đạt gần 99%, đường giao thông đến các thôn được bê tông hóa đạt trên 80%, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất trên 58% diện tích, 80% số thôn có nước sinh hoạt tập trung, 100% xã, thôn sử dụng điện lưới.

Bác Ái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cùng với đó, việc hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình cũng được chú trọng thực hiện. Trong 10 năm qua, huyện đã thực hiện 163 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng các mô hình có hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung vào các mô hình như: trồng bắp lai, lúa nước, mì, cây ăn quả, chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen. Các mô hình đều phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân. Trong những năm qua, huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề, tổ chức tập huấn, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho 6.214 lượt lao động với 5 nhóm ngành nghề chủ yếu (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, xây dựng, sửa chữa máy móc, may công nghiệp). Số lao động sau học nghề đã được trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương.

Đồng chí Mẫu Thái Phương khẳng định: Trong những năm qua được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, bộ mặt kinh tế-xã hội của huyện từng bước phát triển; tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 12,4%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, thu nhập đầu người được cải thiện, các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố, công tác an ninh quốc phòng được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân trên 7%.

Trong thời gian tới huyện Bác Ái tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; kêu gọi thu hút đầu tư vào các ngành lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi; nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo; tiếp tục tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ sản xuất của người dân, gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững, phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Mục tiêu đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất bình quân tăng từ 12% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%.