Thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững

(NTO) Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay, đồng thuận của toàn thể nhân dân nên đời sống của các hộ nghèo trong tỉnh từng bước được cải thiện, đời sống ngày được nâng lên.

Được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ Trung ương và của tỉnh, bộ mặt kinh tế-xã hội của các xã trên địa bàn huyện nghèo Bác Ái đến nay đã có bước phát triển rõ nét, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm đạt 12,4%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, không còn hộ thiếu đói; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện (bình quân khoảng 10-12 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ lao động qua đào tạo, công tác xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm năm sau đều tăng hơn so với năm trước, các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư khá đồng bộ tại các xã, mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm tuy có thay đổi về tiêu chí nhưng vẫn giảm đáng kể, bình quân hàng năm giảm trên 7%. Đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo, nên kết quả giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến cuối năm 2018 hộ nghèo toàn huyện còn 2.972 hộ, chiếm 40,31%, giảm 954 hộ, giảm 18,47% so với đầu năm 2016. Kết quả này góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn thôn, xã, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa bàn, nhóm dân cư.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân (Ninh Sơn) thu hoạch ớt Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Anh

Không chỉ tại huyện Bác Ái, tại những địa phương khác công tác giảm nghèo bền vững cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện rất tích cực. Một trong những ưu tiên để công tác này đạt hiệu quả đó là việc hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Chỉ riêng trong giai đoạn 2016-2018, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và của địa phương, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 28 mô hình, tập trung vào các mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản, dê sinh sản, trồng bưởi da xanh, trồng mít thái. Thông qua việc triển khai các mô hình đã góp phần tăng thu nhập của người nghèo từ 15-20%. Cùng với đó, việc thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong 3 năm (2016-2018) đã giải quyết cho 86.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 2.000 tỷ đồng. Qua đó đáp ứng cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách về y tế, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề và giải quyết việc làm…. đã giúp cho các hộ nghèo cải thiện đời sống, tự lực vươn lên.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước, công tác giảm nghèo trong những năm qua còn nhận được sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 28 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho hộ nghèo có điều kiện vui xuân, đón tết với số tiền 14 tỷ đồng. Triển khai Đề án 406-ĐA/MTTQ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về “Hỗ trợ đồng bào Bác Ái góp phần giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ bò cái giống sinh sản giúp người nghèo phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định nhằm vươn lên thoát nghèo. Đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ 1.000 con bò cho 750 hộ nghèo, với số tiền 19 tỷ đồng do Viettinbank, tập đoàn VinGroup, Ngân hàng Ngoại thương và Bộ đội Biên phòng trao tặng; tiếp nhận quà của các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá trên 58 tỷ đồng, tặng quà tết cho các hộ nghèo qua các dịp Tết Nguyên đán; ngoài ra cộng đồng dân cư trong các thôn, xóm, dòng tộc đã hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, động viên tinh thần để họ vươn lên trong cuộc sống.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao bò giống cho hộ nghèo tại huyện Bác Ái.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí Trung ương phân bổ cho Chương trình 30a giai đoạn 2016-2018 trên 109 tỷ đồng, trong đó tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất và hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đối với Chương trinh 135, tổng vốn thực hiện từ Trung ương và địa phương là trên 79 tỷ đồng tập trung hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, các nội dung hỗ trợ chú trọng đến mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, hướng đến việc giảm nghèo bền vững ở vùng đặc biệt khó khăn. Ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Các Chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã đổi mới cách tiếp cận và mở rộng độ bao phủ, huy động được nhiều nguồn lực, ổn định đời sống người nghèo. Đặc biệt, các địa phương đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt đa chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Công tác xã hội hóa cho công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện, nhất là việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ các chương trình về nhà ở, hỗ trợ bò giống sinh sản… đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo kế hoạch đề ra.