Sử dụng nước sản xuất hiệu quả, tiết kiệm

Trước diễn biến tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiều người dân, nhất là nông dân hỏi về tình hình cung cấp nước sản xuất, thời gian đóng nước sửa chữa công trình thủy lợi trong vụ hè-thu 2019. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã cung cấp thông tin để người dân rõ.

* Nhiều nông dân trong tỉnh hỏi: Tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất cho vụ hè-thu 2019?

- Đồng chí Phạm Ngọt: Căn cứ vào tổng lượng nước dự kiến tính đến ngày 30-4-2019 của 21 hồ chứa là 125,20 triệu m3, đạt 64% tổng dung tích thiết kế (so với cùng kỳ năm 2018 là 114,53 triệu m³, đạt 59% tổng dung tích thiết kế); hồ Đơn Dương dung tích trữ còn lại khoảng 82,0 triệu m3, đạt 49,7% tổng dung tích thiết kế (so với cùng kỳ năm 2018 là 85,43 triệu m³, đạt 51,8% tổng dung tích thiết kế). Sau khi đã tập trung ưu tiên nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong vụ hè-thu năm 2019, kế hoạch điều tiết nước phục vụ sản xuất thuộc khu tưới của 14/21 hồ chứa và toàn bộ khu tưới của hệ thống đập dâng Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm với tổng diện tích khoảng 21.725,06ha, trong đó cây lúa 12.919,86 ha, màu 8.407,33 ha, thủy sản 397,87 ha.

Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh.

Qua tính toán, sau khi cân đối nhu cầu cấp nước cho các nhu cầu dùng nước tại các hệ thống hồ chứa nước và đập dâng trên địa bàn toàn tỉnh, lượng nước của 14/21 hồ chứa trên địa bàn và hồ Đơn Dương sẽ đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất vụ hè-thu 2019 theo kế hoạch đề ra.

* Nhiều người dân hỏi: Vậy kế hoạch đóng nước sửa chữa các công trình thủy lợi diễn ra thời gian nào?

- Đồng chí Phạm Ngọt: Theo kế hoạch của UBND tỉnh, kết thúc vụ đông-xuân 2018-2019, Công ty sẽ thực hiện đóng nước các công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác sửa chữa, nạo vét, phát quang đảm bảo dòng chảy ổn định trên các kênh tưới, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều tiết nước, đồng thời giảm thiểu tình trạng ngập úng và kéo dài tuổi thọ công trình. Trong đợt I-2019, Công ty sẽ bố trí kinh phí 29,5 tỷ đồng để tu sửa, nạo vét 39 công trình và sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi, người dân cần nắm bắt lịch để chủ động nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi. Cụ thể: Đối với các đập Sông Pha và Nha Trinh-Lâm Cấm: Kênh Chính Nam (Ninh Phước) từ ngày 30-4 đến 15-5; kênh chính Bắc (Ninh Sơn, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải) từ ngày 25-4 đến ngày 10-5; kênh Tấn Tài, Tân Hội (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) từ ngày 2-5 đến ngày 7-5; kênh chính Tây, chính Đông (Ninh Sơn) thời gian dự kiến từ ngày 15-3 đến 30-4. Đối với các hệ thống hồ chứa nước: Hồ Lanh Ra (Ninh Phước) từ ngày 30-4 đến 10-5; hồ Sông Trâu (Thuận Bắc) từ ngày 10-5 đến 20-5; hồ sông Sắt, hồ Trà Co (Bác Ái) từ ngày 15-4 đến 25-4.

* Nhiều người dân hỏi: Để điều tiết nước phục vụ hè-thu 2019 hiệu quả, đơn vị có những giải pháp và khuyến cáo gì?.

- Đồng chí Phạm Ngọt: Để điều tiết, sử dụng nguồn nước hiệu quả, chúng tôi cũng đã gửi thông báo, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn, khu phố, hộ dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian đóng nước để nhân dân biết, chủ động tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Địa phương tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, phát dọn các kênh nội đồng, tránh tình trạng các địa phương không tổ chức quản lý, nạo vét hoặc nạo vét không triệt để làm ảnh hưởng đến công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất. Chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gieo trồng ngoài kế hoạch và tuân thủ đúng lịch thời vụ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; không xả rác thải và lấn chiếm kênh mương công trình thủy lợi nhằm đảm bảo dòng chảy thông thoáng, cấp đủ nước phục vụ sản xuất và góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường.

Đối với công ty, phối hợp với Công ty Cổ phần thuỷ điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cấp nước ngay từ đầu vụ hè-thu 2019. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn và thường xuyên kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối nguồn nước cho phù hợp với thực tế, đảm bảo cấp đủ nước theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân nắm bắt tình hình và chủ động ứng phó với hạn hán, không chủ quan lơ là, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra; thông tin về kế hoạch điều tiết nước, chủ động có kế hoạch lấy nước nhằm sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đảm bảo đủ nước cung cấp lâu dài cho vùng hạ lưu phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Tập trung vận hành, điều tiết “tưới luân phiên” ngay từ đầu vụ cho các hồ chứa và hệ thống đập dâng Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm nhằm cấp nước hiệu quả, đủ nhu cầu và tiết kiệm. Xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng tuyến kênh, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước, làm giảm năng xuất cây trồng, kiên quyết không điều tiết nước đối với diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch. Chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết cấp nước bổ sung từ hồ Sông Biêu và CK7 để tiếp nước cho khu tưới hồ Tân Giang và điều tiết nguồn nước từ các hồ Cho Mo, Sông Sắt, Trà Co, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để bổ sung nguồn nước cho đập dâng Nha Trinh - Lâm Cấm trong trường hợp lưu lượng chạy máy trung bình ngày của Nhà máy thủy điện Đơn Dương thấp hơn nhu cầu của vùng hạ lưu.