Nâng tầm cây nho Ninh Thuận

Du khách phương xa mỗi lần đến với Ninh Thuận chắc chắn không thể bỏ qua những vườn nho chín mọng trĩu quả hay ghé thăm hàng nho tươi mua một ít về làm quà cho người thân. Nho được ví là cây trồng “nữ hoàng’, một đặc sản nức tiếng thơm ngon, niềm kiêu hãnh của người dân vùng đất nắng…

Chúng tôi trở lại thăm Trang trại Nho Ba Mọi, xã Phước Thuận (Ninh Phước) vào một ngày Tháng Tư- đúng vào dịp chuẩn bị cho Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019. Chủ trang trại- ông Nguyễn Văn Mọi, được biết đến một trong những nông dân trồng nho lâu năm, “doanh nhân chân đất” nổi tiếng của cả nước làm giàu từ cây nho, cho biết: Cây nho được du nhập vào Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước và được phát triển mạnh từ đầu thập kỷ 80.

Chủ trang trại - ông Nguyễn Văn Mọi giới thiệu sản phẩm nho cho du khách. Ảnh: Văn Nỷ

Chính khí hậu đặc trưng nắng nóng quanh năm của vùng đất Ninh Thuận là điều kiện để cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, cho ra những trái nho ngọt ngào, thơm mát mà không có bất cứ vùng đất nào trong cả nước có được. Sự phát triển của cây nho Ninh Thuận cũng lắm thăng trầm. Có thời điểm nhiều nông dân chặt bỏ cây nho sang trồng các loại cây khác do cây nho thoái hóa, sâu bệnh, thua lỗ. Tuy nhiên, xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, cộng với sự quan tâm của Nhà nước tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con từ khâu kỹ thuật, cải tạo giống cho đến đầu ra tiêu thụ… nên thời gian qua, cây nho vẫn tạo được chỗ đứng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho nhiều bà con nông dân.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện tổng diện tích nho toàn tỉnh trên 1.220 ha, tập trung ở các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm… Sản lượng hàng năm ước đạt trên 31.000 tấn. Tổng giá trị nho thu hàng năm khoảng 830 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp, trong khi diện tích trồng nho chỉ chiếm gần 3%. Năm 2010, nông dân trong tỉnh trồng chủ yếu giống nho đỏ Cardinal, NH01-48 và một số ít giống nho rượu thì đến nay, thông qua nhiều nguồn khác nhau, đã có khoảng trên 200 loại giống, bao gồm các giống nho ăn tươi, nho rượu, nho sấy, gốc nho dại…; trong đó một số giống nho cho năng suất, chất lượng, sản lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng và nhân rộng như: NH01-152, Black Queen… Điều đáng nói là nông dân đã dần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên minh liên kết trong sản xuất để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng, năng suất cao; ngoài ra còn mạnh dạn đầu tư sản xuất các sản phẩm chế biến từ nho như nho sấy, mứt nho, rượu nho… và bước đầu hình thành được một số “làng nho, trang trại nho du lịch”, qua đó giúp sản phẩm nho nâng cao giá trị.

Nông dân thôn Thái An, (Vĩnh Hải) chăm sóc nho NH01-152 đạt năng suất cao. Ảnh: P.Bình

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực tế tiềm năng phát triển cây nho chưa được khai thác triệt để và nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết. Đó là tình hình sản xuất nho hiện nay còn manh mún, diện tích vùng tập trung, chuyên canh quá ít,... dẫn đến khó khăn cho việc đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, giám sát chất lượng, chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm. Việc sản xuất nho theo hướng an toàn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư; nhận thức của người trồng nho còn hạn chế. Công tác chế biến và bảo quản sau thu hoạch, cơ sở hạ tầng cho các vùng trồng nho chưa được quan tâm đúng mức. Một số giống nho mới còn đang mới lạ đối với nông dân nên hiệu quả còn chưa xứng với tiềm năng giống. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực sự kiểm soát được. Đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm khó khăn, giá cả bấp bênh…

Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh giai đoạn 2011-2020”, cây nho vẫn được tỉnh ta tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực. Định hướng đến năm 2020, diện tích nho phải đạt 2.553 ha, sản lượng đạt 70.000 tấn, trong đó: nho ăn trái 2.333 ha, sản lượng 69.450 tấn; nho rượu: 220 ha, sản lượng 550 tấn… Vùng sản xuất nho an toàn được quy hoạch tập trung ở các huyện: Ninh Phước 1.716,68 ha, Ninh Hải 230,49 ha, Thuận Nam 252,27 ha, Ninh Sơn 142,29 ha và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 211,48 ha. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nho theo hướng tập trung, từng bước hình thành các vùng sản xuất nho an toàn, tỉnh cũng đề ra các giải pháp xây dựng thương hiệu và xây dựng các liên kết hợp tác theo chuỗi ngành hàng giữa người trồng nho, nhà chế biến, tiêu thụ để nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, cũng như giúp bà con giải quyết những khó khăn, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, vấn đề đặc biệt ưu tiên là xây dựng các mô hình trình diễn về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật cho ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hay cao hơn nữa là các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt như: AseanGAP, EurepGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện đã hình thành một số mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP như: Cơ sở sản xuất nho Ba Mọi, xã Phước Thuận (Ninh Phước), Hợp tác xã Nho VietGAP, xã Xuân Hải (Ninh Hải), Hợp tác xã Nho Evergreen, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)…

Nông dân Ninh Hải chăm sóc cây nho.Ảnh: Văn Miên

Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh xây dựng và nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nho Ninh Thuận tạo cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Hiện nay, trên địa tỉnh có 3 đơn vị lớn chuyên chế biến rượu nho, đó là Công ty Vang nho Thăng Long, Công ty Thực phẩm Lâm Đồng, Trung tâm Tư vấn Phát triển công nghệ Nha Hố cho ra những dòng sản phẩm chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Còn có nhiều cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nho, như nho sấy, vang nho, mứt nho, nước nho lên men… đã tạo được tên tuổi thị trường trong và ngoài tỉnh, điển hình như: Cơ sở sản xuất thực phẩm Viết Nghi, Cơ sở sản xuất và kinh doanh Thiên Thảo…

Việc hỗ trợ đầu tư các giống mới, cải tạo lại toàn bộ diện tích nho đã bị già cỗi; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các vùng trồng nho; khuyến khích, hỗ trợ bà con thực hiện mô hình du lịch miệt vườn, nhằm nâng cao giá trị, góp phần quãng bá “thương hiệu” cây nho Ninh Thuận đến với du khách bốn phương cũng được tỉnh tính đến nhằm tạo sự phát triển bền vững, lâu dài, nâng cao vị thế cây nho trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.