Nông nghiệp tỉnh nhà trước những cơ hội và thách thức

(NTO) Sau 44 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, ngành Nông nghiệp có bước chuyển biến vượt bật nhờ vào chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Từ vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương vào điều kiện cụ thể ở từng địa phương, cùng với việc Tỉnh ủy kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo nhân rộng mô hình mới ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp vươn lên trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đánh thức tiềm năng

Tỉnh ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng tiềm năng, lợi thế cũng chỉ mới được đánh thức trong những năm gần đây, khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung cwhỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh xác định quan điểm xuyên suốt là cơ cấu lại phải phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực, chuyển đổi mạnh cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Để làm được điều đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Cũng từ hoạt động liên kết, doanh nghiệp chú trọng chuyển giao công nghệ vào sản xuất, hình thành những vùng thâm canh cây trồng, vật nuôi chủ lực, đảm bảo gia tăng mức độ bền vững của nền kinh tế nông nghiệp.

Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến áp dụng công nghệ mới trong sơ chế
sản phẩm măng tây xanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bám sát định hướng chung của tỉnh, các huyện, thành phố lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng dần diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao như nho, táo, măng tây xanh, giảm dần diện tích các loại cây giá trị kinh tế thấp. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp thâm canh tăng năng suất được áp dụng rộng rãi đã thúc đẩy sản xuất phát triển lên tầm cao mới. Trên địa bàn các huyện, thành phố hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đơn cử, mô hình liên kết sản xuất măng tây xanh giữa Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) với Công ty TNHH Nông nghiệp Tiên Tiến; mô hình liên kết sản xuất nho của Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích, đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm.

Có thể nói, với việc tỉnh đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, đã tạo “cú “huých” cho nông nghiệp chuyển mình và hội nhập. Từ chương trình xây dựng mô hình cánh đồng lớn có hiệu quả, đã chuyển bước cơ bản nền nông nghiệp phân tán sang sản xuất hàng hóa tập trung. Với sự hỗ trợ của ngành chức năng, nông dân trên địa bàn tỉnh không còn bó hẹp trong sản xuất mà đã liên kết với doanh nghiệp làm ăn lớn, hướng tới hội nhập. Các gương sáng nông dân, doanh nghiệp đi đầu trong nuôi tôm theo quy trình VietGAP, trồng giống nho mới ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, trồng hoa lan trong nhà lưới, sản xuất măng tây xanh hữu cơ, đã góp phần vào thực hiện thành công chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Nông dân Ninh Sơn ứng dụng công nghệ trồng hoa Lan đem lại thu nhập cao. Ảnh: Văn Nỷ  

Cơ hội và thách thức đan xen

Ngành Nông nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển, khi hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 trong chăn nuôi và trồng trọt. Đi kèm với đó, là chính sách hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất những loại cây trồng chủ lực, hỗ trợ cho thuê đất để phát triển các vùng cây trồng tập trung. Từ những động thái tích cực, đã tạo ra làn gió mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hứa hẹn nhiều đều tốt đẹp. Sự vào cuộc của các thành phần kinh tế làm nông nghiệp hiện nay không chỉ đơn thuần hợp đồng thu mua sản phẩm như trước đây, thêm vào đó có một số nhà đầu tư đủ tiềm lực, uy tín tham gia vào chuỗi giá trị, từ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đến bao tiêu, chế biến sâu các sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sự kiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quyết tâm cao tạo ra diện mạo mới, đem đến tương lai tươi sáng cho nông dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính đồng đất của mình.

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp đang đứng trước những thách thức do ảnh hưởng của biến khí hậu ngày càng sâu sắc. Những năm gần đây, nông dân chịu nhiều thiệt hại bởi hạn hán với mức độ ngày càng lớn. Tài nguyên đất đai, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, thời tiết nắng nóng. Quá trình hội nhập đòi hỏi hàm lượng khoa học trong sản phẩm nông nghiệp phải cao mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường; trong khi đó, nông nghiệp tỉnh ta phần lớn vẫn dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh múm, chưa xây dựng được nhiều chuỗi giá trị. Những thách thức trên đòi hỏi các ngành, các cấp phải có nỗ lực nhiều hơn trong tiếp tục thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực canh tranh mới. Hơn bào giờ hết, trong bối cảnh hiện nay, ngành Nông nghiệp cần phải đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết giá trị, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Coi cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 là cơ hội cho ngành Nông nghiệp với các kỹ thuật ứng dụng mới, như ứng dụng tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công lao động.

Nhìn lại chặng đường 44 năm phát triển để thấy, ngành Nông nghiệp có bước chuyển mình quan trọng, giai đoạn 2015- 2018 tốc độ tăng trưởng bình quân 6 - 7%/ năm; giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất đạt trên 90 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (1992). Từ năm 2016 đến nay, với nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện Nghị quyết 05 NQ/TU của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong giai đoạn mới.