Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đầu tháng Tư, chúng tôi ngược lên miền núi, vùng căn cứ kháng chiến cũ để thăm lại những nơi mình từng lưu dấu chân trong suốt 27 năm qua. Đến bất cứ xã, thôn nào trong tỉnh, chúng tôi cũng ghi nhận được sự đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh nhà. Dù đạt chuẩn hay sắp đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã đều có bước phát triển mới về hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó chủ yếu là hạ tầng phục vụ sản xuất như công trình giao thông và kênh mương nội đồng.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ giữa năm 2018, UBND tỉnh ban hành một số văn bản liên quan đến chương trình, trong đó có bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020; đồng thời rà soát các cơ chế, chính sách, đề án của tỉnh trước đây để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn mới. Theo hướng đó, các sở, ngành và địa phương đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch của đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện. Trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao của ban chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp, cùng với sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, toàn tỉnh tăng bình quân 1 tiêu chí/xã; không còn xã thuộc nhóm 5. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM theo tiêu chí cũ đã phấn đấu đáp ứng các nội dung, chỉ tiêu mới và đa số đều đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Đến nay toàn tỉnh có 6 xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí mới, đó là các xã: Cà Ná, Phước Nam, Phước Diêm (Thuận Nam), Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Phước Hữu (Ninh Phước) và Lương Sơn (Ninh Sơn).

Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) chăm sóc vùng nho tập trung gắn với du lịch sinh thái, miệt vườn.

Nếu nhìn vào thực tế, có thể hiểu vì sao việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đang được tỉnh ta hết sức quan tâm, đặc biệt là vấn đề tăng thu nhập cho người dân và giảm hộ nghèo đa chiều được coi là các tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình xây dựng NTM. Để thực hiện các tiêu chí này, các địa phương đều tập trung vào nhiệm vụ phát triển sản xuất, mà trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Được Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, một số địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung và xây dựng 13 chuỗi giá trị ngành hàng (bò, dê, cừu, heo đen, táo, nho, chuối, tỏi, lúa, bắp giống, măng tây, mía, khoai mì). Các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ dân và doanh nghiệp tiếp tục được triển khai, nhân rộng. Đến nay đã phát triển được 14 mô hình sản xuất cánh đồng lớn với diện tích 1.328 ha; vận động dân chuyển đổi 4.022 ha từ đất lúa sang trồng các loại cây trồng tiết kiệm nước, đặc biệt là các loại cây trồng cạn tại các vùng gò không đủ nước tưới.

Tìm hiểu tại xã An Hải (Ninh Phước), chúng tôi được biết các mô hình sản xuất rau an toàn; mô hình trồng táo, nho kết hợp với nuôi dê, cừu vỗ béo; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, táo tiếp tục được các địa phương thực hiện. Ngoài ra các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp tục được duy trì. Theo mô hình này, xã Xuân Hải (Ninh Hải) có Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Mộc Thành Quả liên kết với Tổ hợp tác Măng tây Bà Láp, HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp An Xuân bao tiêu 50 tấn măng tây của nông dân. Huyện Ninh Phước có mô hình nuôi heo tập trung quy mô từ 600 - 2.000 con/trại liên kết với Công ty CP tại hai xã Phước Vinh và An Hải; mô hình nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con/trại tại thôn Liên Sơn, xã Phước Vinh liên kết với Công ty Emivest Nha Trang (Khánh Hòa).

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) trồng măng tay xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.L

Cùng với đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương dự thảo kế hoạch triển khai chương trình giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh và phối hợp cùng đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Việc đào tạo nghề lao động nông thôn phục vụ cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được tăng cường, tính riêng trong năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo được 2.654 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.088 lao động và nghề phi nông nghiệp cho 566 lao động. Qua đào tạo, người lao động đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống, tiến đến giảm nghèo bền vững.

Nhìn chung, với việc mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp, các xã trong tỉnh nhà đang thể hiện quyết tâm nâng chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Dù còn khó khăn, song tin rằng nếu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh gắn với phát triển ngành nghề, vào cuối năm nay số xã đạt tiêu chí thu nhập và giảm hộ nghèo đa chiều sẽ tăng hơn, đặc biệt là có thêm 4 xã đạt chuẩn xã NTM: Phước Hải, An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải) và huyện Ninh Phước đạt chuẩn huyện NTM.