Lợi Hải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(NTO) Trước tình hình nắng nóng kéo dài, lượng nước tích trữ thuộc hệ thống hồ Sông Trâu và các đập thời vụ không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, xã Lợi Hải đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất lâu dài. Việc thực hiện chuyển đổi cây trồng từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Qua khảo sát thực tế địa hình, trong vụ đông-xuân 2018-2019, xã tập trung chuyển đổi tại khu vực Trạm bơm Lợi Hải từ tuyến kênh BM1 đến tuyến kênh BM3 với diện tích 60 ha. Chuyển đổi từ diện tích đất màu, đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như: Bắp lai, bắp nếp, đậu xanh, đậu phộng. Điểm mới trong việc thực hiện chuyển đổi lần này là xã đã vận động được 9 hộ đồng bào Raglai chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng với diện tích 5,3 ha. Ngoài giá trị kinh tế cao hơn cây khác, đậu phộng còn là loại cây chịu hạn tốt, ít tốn nước, thời gian thu hoạch ngắn 2,5-3 tháng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Không chỉ vậy, khi tham gia chuyển đổi, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, hỗ trợ kinh phí mua giống cho vụ đầu tiên là 2,6 triệu/ha, 30% kinh phí xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Sau khi thu hoạch, xã thành lập tổ sản xuất liên kết với thương lái để thu mua sản phẩm.

Nông dân xã Lợi Hải chăm sóc cây đậu phộng.

Đến đây, phần lớn diện tích trồng đậu phộng của người dân đều phát triển tốt. Ông Jeắk Sinh, thôn Bà Râu 2, cho biết: Được xã vận động và hỗ trợ, gia đình tôi đã chuyển 5 sào đất lúa sang trồng đậu phộng. Đây là một quyết định đúng đắn vì trong khi đang thiếu nước, sản xuất lúa sẽ không mang lại hiệu quả. Nhờ cán bộ xã hướng dẫn chăm sóc, diện tích đậu phộng nhà đang phát triển khá tốt. Trên thị trường, đậu phộng có có giá từ 16.000-20.000/kg, nếu trừ chi phí thì lãi có thể gấp 2 lần so với trồng lúa. Hiện cánh đồng đậu phộng phát triển tươi tốt, hứa hẹn một vụ thu hoạch đạt năng suất cao cho nông dân.

Xác định chuyển đổi cây trồng, sử dụng tiết kiệm nguồn nước là giải pháp sản xuất lâu dài, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của xã, ngoài chuyển đổi những cây trồng ngắn ngày, xã sẽ tập trung chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: măng tây xanh, mãng cầu dai…từ đó hình thành vùng sản xuất với quy mô lớn. Để thực hiện tốt việc chuyển đổi, xã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức nông dân trong việc thực hiện chuyển đổi. Đồng thời thành lập các tổ vận động, tuyên truyền, tổ sản xuất để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, liên kết với thương lái thu mua, bao tiêu sản phẩm. Để tạo lòng tin cho bà con, các cán bộ, đảng viên của xã tiên phong, gương mẫu thực hiện chuyển đổi trước.

Đồng chí Võ Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của địa phương. Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ, bà con thấy được cũng mạnh dạn tham gia. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân, đặc biệt là đồng bào Raglai tham gia chuyển đổi những cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhằm tăng thu nhập cho người dân.