Phát triển sản phẩm tiềm năng heo đen

Heo đen là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông hộ lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Vài năm trở lại đây, nghề nuôi heo đen đang có xu hướng phát triển mạnh; đặc biệt, ở các xã miền núi, đem lại thu nhập ổn định cho hộ nuôi.

Với điều kiện khí hậu đặc thù, đã tạo điều kiện cho tỉnh ta hình thành các sản phẩm nông nghiệp mang đậm dấu ấn của vùng đất nắng nóng. Năm 2018, heo đen Thuận Bắc - Bác Ái được tỉnh chọn là sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù của tỉnh. Để nâng tầm giá trị sản phẩm, thời gian qua, ngành chức năng, các địa phương đã có nhiều giải pháp trong việc mở rộng quy mô tổng đàn, từng bước xây dựng, nâng tầm thương hiệu heo đen.

Heo đen được nuôi phổ biến trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Ảnh: Hồng Lâm

Bác Ái và Thuận Bắc là hai huyện có số lượng heo đen lớn, chiếm trên 70% tổng đàn nuôi của cả tỉnh. Bà con ở đây chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống, bằng cách thả ngoài tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, nên tạo được vị riêng biệt, với chất lượng thịt thơm ngon, không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường ở các tỉnh phía Nam, đem lại thu nhập khá cao cho hộ nuôi. Anh Ta La Trung, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), một trong những hộ điển hình nuôi thành công mô hình heo đen ở địa phương, trung bình mỗi năm xuất chuồng khoảng 60 con heo thịt, với giá bán từ 400-500 ngàn đồng/kg, đem lại lợi nhuận đáng kể. Anh Trung, chia sẻ: So với heo thông thường, nuôi heo đen chi phí đầu tư thấp, nhưng giá bán lại cao, đầu ra lại ổn định. Hiện nay, một số hộ nuôi theo hướng hàng hóa với số lượng lớn, chú trọng áp dụng kỹ thuật nuôi mới, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm.

Từ thế mạnh, triển vọng heo đen mang lại, tháng 10-2016, Dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho heo đen Bác Ái và Thuận Bắc” triển khai, làm cơ sở quan trọng đưa thương hiệu heo đen vươn xa, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mở rộng quy mô tổng đàn, nâng cao thu nhập. Đơn cử, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Sản xuất Tổng hợp nông nghiệp Phước Đại đóng góp tích cực trong việc nuôi và phát triển giống heo đen ở huyện Bác Ái, HTX đầu tư xây dựng 2 trang trại, với quy mô 200 con, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 1 tấn thịt và cung cấp hàng trăm con giống cho thành viên và bà con trên địa bàn nuôi. Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ HTX xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho heo đen Bác Ái, điều này càng có ý nghĩa thiết thực tới quá trình kinh doanh, chế biến sản phẩm thịt heo đen của HTX. Anh Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc HTX, nhìn nhận: Sản phẩm mang Nhãn hiệu chứng nhận tác động tích cực đến khả năng tiêu thụ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo; người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm sử dụng. Thời gian đến, HTX tiếp tục duy trì và phát triển đàn; đồng thời, tổ chức thu mua, thực hiện khâu chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi bán ra thị trường.

Có thể nói, sản phẩm heo đen đang từng bước có chỗ đứng trên thị trường, đây là cơ sở để ngành chức năng, các địa phương sớm xây dựng tiêu chí, đưa heo đen vào danh mục sản phẩm đặc thù của tỉnh trong thời gian tới.