Phát triển hợp tác xã: Việt Nam muốn nghe tham vấn quốc tế

“Sự chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu cũ được quản trị như một doanh nghiệp sang HTX kiểu mới gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khuôn khổ pháp lý để giải thể các doanh nghiệp này, cũng như xử lý các tồn đọng về mặt tài sản, tài chính của một doanh nghiệp thực chất đã phá sản”- Nhận định từ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Pháp lý Liên minh HTX quốc tế Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra tại TPHCM.

50% HTX có hiệu quả: Tỉ lệ nhỏ - bước tiến dài

Diễn đàn Pháp lý Liên minh HTX quốc tế Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa khởi động vào sáng 17/4 tại TPHCM đã mở ra một không gian đối thoại và tham vấn chính sách đầy thẳng thắn với tinh thần cầu thị của hàng trăm đại biểu đến từ nhiều nước thành viên, trong đó có những trao đổi từ nước chủ nhà Việt Nam về các điển hình thành công cũng như những vướng mắc, khuôn khổ chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của mô hình kinh tế HTX.

Trong lịch sử, Việt Nam đã có những cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự thành lập và vận hành của HTX từ năm 1955. Luật HTX đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1996, trải qua nhiều lần hiệu chỉnh, sửa đổi, bổ sung và thay thế vào các năm 2003, 2012. Trong đó, Luật HTX năm 2012 đánh dấu sự thay đổi căn bản về tư duy phát triển HTX khi đã vận dụng nhiều nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên minh HTX quốc tế (ICA).

Cùng với Nghị quyết chuyên đề về Phát triển kinh tế hợp tác (Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002) từ hơn 15 năm trước, Việt Nam cũng đồng thời đã xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để phát triển kinh tế tập thể. Không thể phủ nhận những chủ trương và hành lang pháp lý ấy đã hình thành nên một thế hệ HTX kiểu mới, thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài của những HTX kiểu cũ. “Dù tỉ lệ HTX làm ăn hiệu quả vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ 50%, nhưng so với con số chỉ 10% hồi cách đây 3 năm thì đó đã là thành tích đáng khích lệ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Có thể nhận thấy HTX kiểu mới ngày nay mang tư duy cung cấp cả dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra. HTX kiểu mới không triệt tiêu mà còn gia tăng giá trị cho kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông trại - trang trại. HTX kiểu mới cũng có sự thích nghi tốt hơn với thị trường, ứng phó được với biến đổi khí hậu…

Thật vậy, đến hết năm 2018, Việt Nam có gần 22.500 HTX và 74 liên hiệp HTX với 6,9 triệu thành viên, tạo ra việc làm cho hơn 2 triệu lao động.

“Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 đến 2.500 HTX ra đời với tốc độ, quy mô ngày càng lớn”, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ nhận định.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho thấy khu vực kinh tế HTX đang đóng góp 4% GDP cả nước, ước tính thu nhập mỗi hộ thành viên tăng 30% sau khi tham gia HTX.

Những thách thức đang đi tìm lời giải

Bên cạnh những thành công bước đầu trong xây dựng lớp HTX kiểu mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn cho rằng vẫn có sự phát triển chưa đồng đều giữa các HTX tại Việt Nam. “Sự chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ được quản trị như một doanh nghiệp sang HTX kiểu mới gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khuôn khổ pháp lý để giải thể các doanh nghiệp này, cũng như xử lý các tồn đọng về mặt tài sản, tài chính của một doanh nghiệp thực chất đã phá sản”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn HTX đang cung cấp dịch vụ đầu vào. Còn rất ít HTX kết nối được với thị trường để cung ứng dịch vụ đầu ra cho nông dân. Kết nối giữa HTX với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà cho vay cũng như vai trò quản lý của Nhà nước đối với HTX còn nhiều lúng túng.

“HTX rất khác với một doanh nghiệp và Luật HTX hiện hành của Việt Nam cho phép HTX được thành lập doanh nghiệp nhưng quy trình, trình tự, thủ tục để thành lập doanh nghiệp trong HTX và mối quan hệ giữa HTX với các doanh nghiệp trong đó ra sao là vấn đề Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm”, đại diện Chính phủ Việt Nam tại diễn đàn cho hay.

Khuôn khổ pháp lý cho kiểm toán và đánh giá hiệu quả làm ăn của các HTX cũng còn chưa rõ ràng. Phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý HTX tuổi đã cao, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị cho thế hệ này là không hề đơn giản.

Mặt khác, nhiều chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị HTX bị cho là chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đơn cử như quy định “HTX có thể vay tín chấp ở ngân hàng đến 400 triệu đồng. Trên thực tế thì chưa một HTX nào có thể tiếp cận được con số ấy. Bởi tài sản của mô hình HTX kiểu mới khác với tài sản trong mô hình kinh doanh kiểu đối vốn. Do đó HTX kiểu mới gặp vướng mắc khi dùng tài sản thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, nhà cho vay không thể hy sinh rủi ro hệ thống - cho vay không thế chấp - để dẫn tới nguy cơ nợ xấu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.

Ngoài ra, ở những nơi kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, có được một khuôn khổ pháp lý riêng biệt để điều chỉnh hoạt động của các HTX nông nghiệp lại là mong ước của lãnh đạo các địa phương. “HTX nông nghiệp là bà đỡ trong tiến trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, có ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Cần có một nghị định riêng điều chỉnh mô hình HTX nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi hơn về đào tạo nguồn nhân lực và các thiết chế hạ tầng đi cùng. Không xem mục tiêu huy động tăng trưởng của HTX nông nghiệp vào sự tăng tưởng GDP của đất nước trong 5 hay 10 năm tới”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan “đăng đàn” kiến nghị.

Trong các phiên sắp diễn ra vào ngày 18/4 của Diễn đàn, chắc chắn sẽ còn có rất nhiều tham vấn và góp ý lẫn nhau để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của HTX. Ở đó, riêng Liên minh HTX Việt Nam được kỳ vọng sẽ là nơi tổng hợp các kinh nghiệm, kiến giải để Chính phủ thêm cơ sở hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Theo www.chinhphu.vn