Đẩy mạnh hoạt động thương mại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà

(NTO) Hoạt động thương mại là một trong nhưng lĩnh vực có vai trò quan trọng, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế chung. Những năm qua, ngành Công Thương đã đề ra nhiều kế hoạch, chính sách thu hút đầu tư mở rộng hệ thống thương mại trên địa bàn, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động thương mại trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, Ngành Công Thương đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng thương mại trong tỉnh; ưu tiên xây dựng mới, nâng cấp hệ thống chợ nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn. Đồng thời, phát triển các kênh phân phối hiện đại, văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng… trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, lĩnh vực thương mại tăng trường đều qua các năm với giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quần 14%/năm. Riêng chỉ tính trong năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trên đại bàn tỉnh ước đạt 20.000 tỷ đồng.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.T

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 siêu thị, 1 trung tâm thương mại đang hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, mạng lưới cửa hàng, chợ truyền thống cũng phát triển theo đúng quy hoạch, nhằm duy trì tốc độ gia tăng và giữ vai trò quan trọng trong khâu thương mại, phân phối hàng hóa. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 100 chợ các loại trải đều khắp thành thị đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phần lớn các chợ có chức năng bán lẻ, kinh doanh hàng hóa tổng hợp và hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong khu dân cư. Ngoài ra, việc đẩy mạnh triển khai các mô hình, đại lý, cửa hàng tại các khu dân cư cũng được chú trọng phát triển khá mạnh. Hệ thống này, tuy có quy mô nhỏ nhưng đáp ứng khá tốt nhu cầu mua sắm của người dân địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, kết nối giao thương trong khu vực... đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Phạm Đăng Thành cho biết thêm: Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi hầu hết các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại ở khu vực đô thị, còn tại các vùng nông thôn, hệ thống phân phối hàng hóa còn nhỏ lẻ, hoạt động mua bán chủ yếu thông qua loại hình như chợ, cửa hàng nhỏ và hệ thống phân phối lưu động của công ty, đại lý. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế...

 Ngành Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Ảnh: Văn Nỷ

Để hoạt động thương mại ngày càng phát triển, trên cơ sở đánh giá hiện trạng và thực tế hoạt động của hệ thống thương mại hiện có, trong thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển hệ thống thương mại phù hợp theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương, mua sắm của nhân dân. Phấn đấu hằng năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Tham mưu cho tỉnh các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn; tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại; ưu tiên xây dựng các hạng mục thiết yếu như chợ đầu mối, trung tâm thương mại; khuyến khích phát triển mạng lưới phân phối về các huyện trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin dự báo thị trường cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chương trình xúc tiến thương mại để tổ chức các hoạt động giao thương, hội chợ nhằm kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm. Tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhằm kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu, năng lực tham gia vào hoạt động thương mại… Với những giải pháp mà ngành Công Thương đề ra, cùng với sự vào cuộc của các ngành, các thành phần kinh tế, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, tin rằng hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.