Hội Phụ nữ Bác Ái: Với phong trào thi đua phát triển kinh tế

(NTO) Ngoài việc xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, Hội Phụ nữ huyện Bác Ái còn tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức, qua đó giúp hội viên (HV) vươn lên trong cuộc sống.

Hội Phụ nữ huyện Bác Ái hiện có trên 6.150 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội cơ sở. Đời sống của HV chủ yếu bằng nghề nông, nên còn gặp nhiều khó khăn. Để cụ thể hóa các phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các chương trình như: “Hỗ trợ các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập”, “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”,…thành nhiều việc làm cụ thể, phù hợp với từng HV, hằng năm, Hội đều xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng mọi hoạt động về cơ sở. Hội luôn xác định việc xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực làm chuyển biến hoạt động của hội thật sự hiệu quả.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Bác Ái
có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Từ nhận thức đó, Hội đã tranh thủ các nguồn vốn của các ngân hàng, dự án, đã phối hợp giải ngân trên 76 tỷ đồng, giúp trên 3.000 lượt hộ vay vốn để đầu tư vào phát triển sản xuất. Trong đó, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên 63 tỷ đồng, giúp cho trên 2.900 lượt hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 13 tỷ đồng, giúp cho 387 lượt hộ vay; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển trên 620 triệu đồng, giúp cho 40 lượt hộ vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, để giúp HV có thêm kiến thức trong phát triển kinh tế, Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho hàng trăm lượt HV. Từ các nguồn vốn vay, nhiều HV đã phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và gia đình như: Mô hình “Nuôi bò rẽ”, “Tổ liên kết trồng rau an toàn”, “Góc chợ phiên, thực phẩm an toàn”…đều mang lại hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của HV từng bước được cải thiện. Đơn cử như chị Đa Rót Kà Lang, thôn Bố Lang, xã Phước Bình, trước đây gia đình là hộ nghèo, kinh tế chỉ dựa vào 3 ha đất rẫy trồng đậu, bắp địa phương nên thu nhập bấp bênh. Năm 2004, chị được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mua bò về nuôi sinh sản. Nhờ cần cù, chăm chỉ sau hơn 3 năm, chị đã trả hết nợ cho ngân hàng và phát triển được 6 con bò. Năm 2007, chị vay tiếp 30 triệu đồng để đầu tư trồng điều và bưởi. Đến nay, chị đã xây dựng căn nhà khang trang, phát triển được 7 con bò, 3 ha điều, bưởi và sầu riêng.

Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ hàng trăm gia đình HV, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 10 triệu đồng, 1.130 kg gạo…; nhận đỡ đầu hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến HV; đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các phong trào đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phân xây dựng địa phương vững mạnh và xây dựng gia đình hạnh phúc, chất lượng cuộc sống của HV ngày càng được nâng lên.

Đồng chí So Thị Bích Tánh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bác Ái, cho biết: Để phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” ở địa phương ngày càng có sức lan tỏa, thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện tập trung vận động HV, phụ nữ tham gia vào các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay…giúp HV, phụ nữ nâng cao mức sống, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.