Kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2019) và 1979 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Người phụ nữ Việt Nam hiện đại

(NTO) Người phụ nữ Việt Nam có nhiều đức tính tốt đẹp: Chịu thương chịu khó, hy sinh, hết lòng vì chồng con, gia đình, vì nước quên thân. Chính vì vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng chị em phụ nữ Việt Nam tám chữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong thời hội nhập, phụ nữ Việt Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong gia đình và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, bên cạnh việc chăm sóc gia đình, chị em vẫn năng động, sáng tạo, tích cực phấn đấu và có những đóng góp quan trọng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước.

Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò to lớn của mình trong xã hội. Ngày càng có nhiều chính trị gia, nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và doanh nhân thành đạt là phụ nữ.

Trong lĩnh vực chính trị, vị thế của người phụ nữ cũng không ngừng được nâng cao: Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV chiếm 26,8%; nhiều phụ nữ được giao đảm nhiệm trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Phụ nữ Việt Nam đóng góp tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Văn Nỷ

Bên cạnh tích cực tham gia chính trị, phụ nữ Việt Nam còn có những đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, phụ nữ chiếm trên 48% lực lượng lao động toàn xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, giầy da, thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng... Với tinh thần thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, chị em đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, học tập nâng cao tay nghề, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là trong các ngành công nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao, đưa Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam cũng ngày càng phát triển. Theo kết quả nghiên cứu Chỉ số nữ doanh nhân của Mastercard (công bố tháng 5-2018), tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Những nữ doanh nhân này đang cùng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng góp sức lực, trí tuệ để phát triển, đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thế giới.

Đối với lĩnh vực giáo dục-đào tạo, với tỷ lệ 76,4%, chị em phụ nữ ngành giáo dục, từ cán bộ quản lý cho đến đội ngũ nhà giáo, công tác ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi đều hưởng ứng phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, hết lòng vì học sinh thân yêu, góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong các lĩnh vực khác như y tế, khoa học-kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch… phụ nữ cũng có những đóng góp to lớn.

Thách thức của thời đại

Sự phát triển của xã hội hiện đại đã đưa vị thế của phụ nữ ngày nay ngang bằng với nam giới. Tuy nhiên, theo Th.S Phạm Thị Thúy, chính trong giai đoạn này người phụ nữ đang phải đứng trước những thách thức lớn của thời đại. Những thiên chức đã trở thành truyền thống của người phụ nữ, không gì có thể thay thế được như làm vợ, làm mẹ và làm dâu... đang gặp phải những trở ngại trong xã hội hiện đại. Nhiều phụ nữ trẻ hăng say với công việc nên không mặn mà việc lập gia đình, nhiều gia đình trì hoãn hoặc từ chối việc sinh con vì sợ ảnh hưởng hoặc mất việc. Các gia đình hạt nhân ở đô thị thường tồn tại đơn lẻ, không có sự gắn kết giữa các thế hệ, trẻ em được gửi nhà trẻ từ rất sớm và không được bố mẹ dành nhiều thời gian chăm sóc trong những năm tháng đầu đời, dẫn đến thiếu hụt về tâm lý, những giá trị truyền thống bị lung lay…

Cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ
nghiên cứu và thử nghiệm nắm Linh chi. Ảnh: V.M

Tất cả những vấn đề trên đều xuất phát từ những áp lực gia đình, xã hội và người phụ nữ phải gánh vác. Một ngày của người phụ nữ hiện đại luôn quay quanh áp lực công việc, tính toán chi tiêu, thu vén việc nhà và  nuôi dạy con cái... Chỉ riêng việc duy trì bữa ăn gia đình, nhất là đối với các gia đình thu nhập thấp đang trở thành một thách đố đối với bất kỳ người phụ nữ nào muốn giữ lửa gia đình đầm ấm. Trong khi phụ nữ quay cuồng trong mớ bòng bong ấy, thì những hiểm họa từ bên ngoài có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Hình ảnh người vợ đầu bù tóc rối không phải là một cảnh tượng dễ chịu với bất cứ một đức lang quân nào. Thêm vào đó, việc nuôi con trong thời đại công nghệ số cũng là một thử thách không hề nhỏ…

Để giữ gìn và phát huy phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại, hỗ trợ họ đương đầu với những thách thức của giai đoạn mới cần có những giải pháp tuyên truyền định hướng của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ của giới truyền thông và cả ngay trong trường học. Thị trường lao động cũng cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ cho người phụ nữ; đồng thời triển khai rộng rãi đề án giáo dục về giới và kiến thức tiền hôn nhân.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ từ phía xã hội, bản thân người phụ nữ muốn phát huy những phẩm chất và giá trị của mình, điều cốt lõi là phải xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân. Tất cả phụ nữ đều mong muốn được yêu thương, được có một gia đình hạnh phúc. Điều đó không có nghĩa họ phải kiếm thật nhiều tiền, có vị trí thật cao trong xã hội, cho con học trường nổi tiếng… Lời khuyên từ các chuyên gia dành cho mọi người phụ nữ hiện đại là cần hiểu rõ mình cần gì, muốn gì và phấn đấu đạt được những điều mình mong muốn.