Ông Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Chủ động phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm vào nước ta, có nguy cơ lây lan trên diện rộng làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc phỏng vấn đồng chí Trương Khắc Trí, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện nay?


- Đồng chí Trương Khắc Trí: Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Trong khi đó, loại vi rút này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, thuốc trị bệnh và virus có sức đề kháng cao với môi trường, bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện dụng cụ chăn nuôi có virus. Tuy nhiên, bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không lây bệnh sang người và các động vật khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ năm 2017 đến 3-3-2019, trên thế giới đã có 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, trong hơn 6 tháng trở lại đây, đã có tổng cộng 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh. Tại nước ta, từ ngày 1-2 đến ngày 3-3, bệnh đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Tại tỉnh ta, hiện chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu không rõ nguồn gốc và các địa phương có chăn nuôi lợn, khách du lịch đến từ các vùng có dịch bệnh mang sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến cũng có thể đưa virus bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh ta.

* Phóng viên: Hiện nay, tỉnh ta đã có những biện pháp chủ động phòng ngừa như thế nào để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa phương?

- Đồng chí Trương Khắc Trí: Nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm và sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 4985/KH-UBND ngày 20-11-2018 về Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể, kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) chống dịch bệnh động vật các cấp, thường xuyên báo cáo, cập nhật thông tin về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong BCĐ; triển khai các hoạt động cụ thể huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng chống dịch.

Đối với Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ các trang, thiết bị, lấy mẫu xét nghiệm hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với địa phương giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư cảnh báo nguy cơ phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nêu rõ các biện pháp chủ động ngăn chặn, tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.

Về giải pháp kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh duy trì hoạt động của Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A tại Thuận Bắc 24/24 giờ và Đội kiểm tra liên ngành tỉnh tăng cường kiểm soát lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào tỉnh; phối hợp với lực lượng công an và các đơn vị liên quan, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm thịt lợn bất hợp pháp. UBND cấp huyện chủ trì thực hiện việc rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết lợn sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ lợn; hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, hạn chế việc ra, vào cơ sở chăn nuôi, nhất là tại các cơ sở sản xuất giống.

* Phóng viên: Đồng chí có khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi lợn tại tỉnh ta hiện nay?

- Đồng chí Trương Khắc Trí: Trường hợp phát hiện ổ dịch tại địa phương, phải huy động nguồn lực để khẩn trương tổ chức các biện pháp ứng phó, khoanh vùng và dập dịch; không điều trị lợn bệnh và lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn trong vòng 24 giờ, kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch; xác định và tổ chức khoanh vùng dịch, thiết lập các trạm chốt kiểm soát, nghiêm cấm vận chuyển các sản phẩm lợn từ vùng dịch ra bên ngoài và ngược lại; kiểm soát việc giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng dịch, tổ chức việc tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc liên tục trong vùng dịch và vùng bị uy hiếp…

Để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học và hạn chế tối đa người, vật nuôi, phương tiện, trang thiết bị bên ngoài vào trại nuôi và thực hiện tiêu độc khử trùng trại nuôi 1 lần/tuần và thực hiện 5 không (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!