Agribank Ninh Thuận ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Có thể nói, với việc ngân hàng nâng vốn cho vay khá cao như hiện nay, đảm bảo cho các hộ đủ điều kiện đầu tư mô hình trồng trọt trong nhà lưới, nhà kính, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn vay ưu đãi đã được khơi thông, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải xây dựng cho được phương án sản xuất có hiệu quả để tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn.

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) luôn kiên trì bám sát mục tiêu hoạt động phục vụ “tam nông”, ưu tiên đầu tư cho các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm chuyển dịch cơ cấu đầu tư, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn (NNNT)

Nhờ được tiếp cận vốn vay ưu đãi, nông dân huyện Ninh Phước có điều kiện
mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện vai trò ngân hàng thương mại hàng đầu, trụ cột trong đầu tư vốn cho nền kinh tế, tiền tệ nông thôn, Agribank Ninh Thuận đã tổ chức triển khai có kết quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 29-10-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển NNNT, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế tỉnh. Theo báo cáo, sau 3 năm thực hiện Nghị định 55, đến cuối năm 2018 dư nợ đầu tư cho NNNT của đơn vị 4,353 tỷ đồng, tăng 2.078 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 91,34% so với năm 2015, với 37.912 khách hàng được vay vốn. Nhìn nhận sản xuất nông nghiệp thường gặp những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, Agribank Ninh Thuận thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 439 tỷ đồng đối với 466 khách hàng; miễm giảm lãi 43,5 tỷ đồng đối với 623 khách hàng. Ngoài ra, hằng năm Agribank Ninh Thuận còn tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ vay vốn với doanh số cho vay hàng ngàn tỷ đồng để phát triển ngành nghề, mua máy móc thiết bị, phục vụ chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Agribank Ninh Thuận, nhìn nhận: Chính sách tín dụng phục vụ NNNT tạo ra nhiều cơ hội để các hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế vươn lên làm giàu, góp phần và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Thông qua hoạt động đầu tư của Agribank Ninh Thuận đã làm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng bước chuyển biến, trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như nho, táo, măng tây xanh; hình thành vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật.

Bám sát định hướng trong đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh, thời gian tới, Agribank Ninh Thuận chú trọng đầu tư tín dụng cho các mô hình liên kết sản xuất trồng bắp lai, măng tây xanh, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để chuyển tải vốn tín dụng cho khu vực NNNT, đơn vị mong muốn các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngân hàng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để năng cao hiệu quả đầu tư, làm cơ sở cho ngân hàng tăng định mức cho vay. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với nhà ở khu vực nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Agribank Ninh Thuận đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ

Tín hiệu vui trong năm 2019, đó là Chính phủ vừa ban hành một số chính sách đẩy mạnh cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, đáng chú ý là những điểm mới của Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông dân. Cụ thể, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, cá nhân hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Bổ sung các đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa 70% giá trị của dự án.

Có thể nói, với việc ngân hàng nâng vốn cho vay khá cao như hiện nay, đảm bảo cho các hộ đủ điều kiện đầu tư mô hình trồng trọt trong nhà lưới, nhà kính, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn vay ưu đãi đã được khơi thông, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phải xây dựng cho được phương án sản xuất có hiệu quả để tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn.